Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2023; quê xã Hưng Hòa, huyện Hưng Nguyên, nay thuộc TP Vinh, tỉnh Nghệ An), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, ngày 17/3, tại TP Vinh, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo “Đại tướng Chu Huy Mân, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An”.
Đồng chí Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân đoàn 1 Ngụy quyền Sài Gòn sau ngày thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng (3/1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN. |
Tại Hội thảo, Thiếu tướng, TS, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí CAND, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã có bài trình bày nhan đề “Đại tướng Chu Huy Mân, người tiêu biểu cốt cách xứ Nghệ”. Báo CAND trân trọng giới thiệu bài viết trên.
Cần khẳng định, đồng chí Chu Văn Điều - Chu Huy Mân đến thời điểm này là Đại tướng duy nhất của 3 tỉnh Bắc khu 4 cũ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông cũng chính là vị Đại tướng duy nhất trong 16 vị đại tướng QĐND Việt Nam xuất phát từ đội phó Đội Tự vệ đỏ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, là người vào Đảng sớm nhất trong các vị đại tướng của lực lượng vũ trang và cũng là người có tuổi Đảng cao nhất, 75 tuổi.
Thừa hưởng sự giáo dục của một người mẹ xứ Nghệ đặc biệt
Thân mẫu Chu Huy Mân tên là Trần Thị Xân, SN 1864, mất năm 1945 (trong nạn đói năm Ất Dậu). Bà là người phụ nữ xứ Nghệ gan góc, dũng cảm, quyết liệt, tảo tần, nhà nghèo quá, dẫu phải bán đi hai con gái nhưng vẫn cho con trai Chu Văn Điều đi học chữ Hán lúc mới 8 tuổi. Vì sao đói khát vẫn cho con đi học?
Được đi học, Chu Văn Điều có nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc với học sinh các trường khác, đặc biệt là học sinh Trường Quốc học Vinh, được tiếp xúc với những xu hướng yêu nước, tiến bộ của phong trào học sinh, sinh viên. Đến bây giờ nhiều người vẫn không tưởng tượng được vì lẽ gì một bà mẹ Hưng Hòa mù chữ, phải bán 2 người con gái vì không có miếng ăn mà vẫn cho con trai đi học? Hành động đặc biệt của bà thể hiện sinh động truyền thống của xứ Nghệ coi việc học như một lẽ tất nhiên, khổ mấy cũng kiếm lấy cái chữ, nghèo mấy trong nhà cũng phải có một người đi học.
Và điều đặc biệt thứ hai, khi Chu Văn Điều đi học lên năm thứ 4 và sau khi tham gia cuộc mít tinh chống Pháp, anh bắt đầu học chữ quốc ngữ. Một năm sau, anh biết đọc, biết viết, anh chuyển từ việc học làm thơ, phú sang học lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì thế, khi mới 16 tuổi, Chu Văn Điều đã tha thiết muốn được tham gia hoạt động cách mạng. Bà mẹ Xân đã đồng ý cho con hoạt động cách mạng, đồng nghĩa với việc chấp nhận cho con vào chốn hiểm nguy. Sự ủng hộ, quan tâm của mẹ là nguồn sức mạnh, động lực lớn để Chu Văn Điều vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên hành trình đấu tranh cách mạng và từng bước trưởng thành.
Thừa hưởng ở mẹ và quê hương bản lĩnh gan góc, bộc trực
Điều đó được thể hiện ngay từ ngày ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, vào một đêm mùa đông năm 1930. Ông từng kể lại từng chi tiết đêm kết nạp trong cuốn hồi ký “Thời sôi động” và nhớ lại lời tuyên thệ: “Tôi, Chu Văn Điều xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị địch bắt dù cực hình tra tấn thế nào quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết không sờn...”.
Lời hứa đơn giản và thiêng liêng ấy cứ sống mãi với thời gian, sống mãi trong tâm trí người đảng viên Chu Văn Điều, trở thành động cơ phấn đấu và cũng là động lực giúp Chu Văn Điều vượt qua mọi thử thách, gian nguy, cận kề cái chết vẫn giữ khí tiết của một đảng viên cộng sản.
Trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, cũng như suốt các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đồng chí Chu Huy Mân từng lăn lộn trên khắp các chiến trường: từ Quân khu 4, Quân khu 5, đến Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, từ chiến trường miền Trung đến mặt trận Tây Nguyên; từ chiến đấu trong nước đến làm nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Trung Quốc và Lào. Cả trong thời bình với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND, bất kỳ ở đâu, ông vẫn luôn thể hiện là một tấm gương người đảng viên kiên trung, chiến đấu mưu trí, quyết liệt, triệt để tuân thủ kỷ luật, chỉ đạo của lãnh tụ, nhưng vẫn trình bày thắng thắn quan điểm, ý kiến trái chiều để thống nhất trí tuệ, ý chí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đồng chí Chu Huy Mân, khi đó là Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 kiểm tra, theo dõi các mũi tiến công của quân giải phóng đánh vào thành phố Đà Nẵng (3/1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Điển hình ở chiến trường khu V thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông đã nêu rõ quan điểm, thái độ dứt khoát chỉ đạo toàn Quân khu: “Trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh thắng khắc tìm ra cách đánh” đã truyền sức mạnh to lớn đến cán bộ, chiến sĩ, xóa tan tâm lý ngại Mỹ, sợ Mỹ. Nhờ tính cách Nghệ, khi dấn thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, ông không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách, luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất, chung lưng, đấu cật với đồng chí, đồng đội, bạn bè quốc tế, sâu sát cơ sở, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Tấm gương sáng về tự học
Đồng chí Chu Huy Mân bắt đầu được mẹ cho đi học chữ Hán từ năm 8 tuổi, sau đó học chữ quốc ngữ để đọc và tiếp thu lý luận cách mạng. Nhờ học chữ mà đồng chí đã tự đặt tên cho mình sau một lần nổi giận với người anh họ. Đó là tháng 5/1935, mùa thu thuế của chính quyền thực dân, phong kiến, nhưng do gia đình không có tiền nộp thuế, Chu Văn Điều bị người anh họ là Chu Văn Đạm - Phó lý làng Thượng đánh một trận đau.
“Bực cái mình” với người anh họ đã không biết phân biệt phải trái, đúng sai, không đứng về phía dân nghèo, Chu Văn Điều đã quyết định đổi tên Văn Điều thành Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng” (theo nghĩa “Huy” là sáng, “Mân” là ngọc). Từ đây, tên gọi Chu Huy Mân bắt đầu xuất hiện và đi liền suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Những năm tháng được cử làm cố vấn cho cách mạng Lào, giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, để trao đổi, bàn bạc những vấn đề cơ mật, Chu Huy Mân đã học tiếng Lào, học phong tục các dân tộc bộ tộc Lào để ứng xử và tìm cách diễn đạt hiệu quả nhất với các đồng chí Tổng Bí thư Đảng Nhân dân, Bộ trưởng Quốc phòng và cán bộ, chiến sỹ Pa thét Lào. Kết thúc chiến tranh, sau này ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chu Huy Mân luôn coi trọng quá trình tự học để thu lượm kiến thức toàn diện phục vụ cách mạng.
Có thể nói, ngoài được đi học từ lúc 8 đến 12 tuổi và một thời gian ngắn được học tập tại Liên Xô, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đều tự học. Ông học từ thực tiễn hoạt động cách mạng, từ cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Học ở trong nước, học đồng đội, học bạn bè quốc tế, học ở mọi nơi mọi lúc đã làm giàu lên trí tuệ và tâm hồn, làm nên con người ông. Tính cách ham học của người Nghệ như dòng máu chảy mải miết trong ông, trở thành cốt cách của một vị tướng, của một người lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Vừa tiếp nhận tính cách Nghệ, vừa là người “phá cách”
Một ví dụ điển hình là sau trận đánh thắng Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng, tỉnh Gia Lai (1965), khi đế quốc Mỹ tung sư đoàn Kỵ binh bay số 1 - “Anh cả đỏ” của không lực Hoa Kỳ, đồng chí Chu Huy Mân đã bố trí thế trận dụ địch vào vùng rừng núi hiểm trở để đập tan ý đồ ngông cuồng của chúng. Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV thì “Trận đánh thắng lợi giòn giã khiến Lầu Năm góc phải thốt lên là trận đánh đẫm máu nhất của Quân lực Hoa Kỳ”. Chiến thắng lừng lẫy như vậy nhưng không phải ai cũng nhìn nhận đầy đủ ý nghĩa của thắng lợi.
Trước những luồng ý kiến khác nhau, đồng chí Chu Huy Mân rất bình tĩnh, hết sức chú ý lắng nghe. Đồng chí gợi mở để anh em phát biểu hết ý kiến của mình với tinh thần thực sự cởi mở, dân chủ. Cuối cùng, với tầm nhìn của một nhà chiến lược, chính trị - quân sự toàn năng, sự dạn dày trong chiến trận, đồng chí đã phân tích làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, rút ra bài học từ chiến thắng và chỉ ra xu thế phát triển tất yếu của cuộc chiến, giải đáp mọi thắc mắc.
Trong những thời điểm làm đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam giúp đỡ nước bạn Lào, đồng chí Chu Huy Mân luôn nhớ lại Bác Hồ dặn: “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”, không áp đặt, không làm thay, mà chỉ là những gợi ý, trao đổi để bạn tự quyết định. Đó là ứng xử văn hóa vượt ra ngoài địa lý và văn hóa xứ Nghệ. Chu Huy Mân có thấm đậm văn hóa Việt Nam mới đủ trí tuệ và tình cảm để ứng xử với bạn trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn của quân đội và chính phủ nước bạn.
Dù bất cứ ở cương vị nào, từ Trung đoàn trưởng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, dù cố vấn cho nước bạn Lào hay chiến đấu giúp cách mạng Trung Quốc, kể cả sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chu Huy Mân luôn giữ nếp sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chan hòa, gắn bó với đồng đội và nhân dân. Đồng chí nghiêm khắc đối với chính mình và dành cho đồng chí, đồng đội, cho người thân tình cảm thân thương, trìu mến. Đó là bản chất của một người mang tính cách điển hình của cốt cách xứ Nghệ được Đảng và Bác Hồ, quân đội giáo dục, rèn luyện kết hợp với quá trình tự học hỏi, tu dưỡng hàng ngày để hấp thụ, thấm nhuần bản chất, cội nguồn văn hóa Viêt Nam, bồi đắp nên nhân cách anh “Hai Mạnh”, vị tướng chính trị - quân sự song toàn. Nhưng cốt cách xứ Nghệ vẫn còn giữ nguyên trong giọng nói, cách nói, trong phong cách sống tận hiến đến hơi thở cuối cùng.
Có thể nói quê hương đã thổi vào trí tuệ, tâm hồn con người Chu Huy Mân cốt cách truyền thống tốt đẹp xứ Nghệ giúp ông trưởng thành và chính ông cũng làm rạng danh quê hương Nghệ An yêu dấu. Vì thế, ông là người con ưu tú của Xứ Nghệ.
Tác giả: Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân