Đẹp

Da mặt loang lổ như pháo hoa vì đắp "thần dược" trị nám, trắng da

Được mách đắp lá trầu không có thể làm mờ nám, chị T. làm theo. Tuy nhiên chỉ sau vài tuần, da chị đã mẩn đỏ, kích ứng rồi nổi những chỗ trắng, đen, nâu loang lổ.

Chia sẻ với VietNamNet, chị N.T.T. (35 tuổi, Hà Nội) cho biết, sau khi sinh mấy năm, chị thấy hai gò má nổi nhiều nốt nám. Tâm sự với những người sống gần nhà, chị được mách đắp lá trầu không có thể làm trắng da, mờ vết nám.

“Các chị bảo dùng 3 lá trầu không, ngâm vào nước sôi rồi đắp lên vùng nám trong 5 phút. Tôi nghĩ mình bị nám nhiều nên tôi dùng 10 lá đắp hàng ngày”, chị T. nói.

Song chưa thấy nốt nám mờ đi, chỉ vài tuần sau, da chị đã mẩn đỏ, kích ứng rồi nổi những chỗ trắng, đen, nâu loang lổ. Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều người trong nhóm “chia sẻ kinh nghiệm” cho chị T..

Lo lắng, họ cùng nhau đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Bác sĩ chẩn đoán da bệnh nhân tổn thương rất nặng nề, phải “xử lý” viêm da tiếp xúc dị ứng, sau đó điều trị nám.

Thực tế, không ít người tin lá trầu không chữa nám an toàn vì chiết xuất hoàn toàn từ tự nhiên. Thậm chí có người còn “sáng tạo” kết hợp bôi, đắp cao lá trầu không hàng ngày như mặt nạ cùng loại rượu ngâm với hy vọng làn da “sáng bật tông”.

Ban đầu, thấy da hồng, bệnh nhân rất tự tin, nhưng chỉ 1 tháng sau, da mặt chị này bắt đầu “biểu tình”, đỏ lựng lên, nóng rát. Vùng nám không mờ đi mà trở nên sậm màu, lan rộng.

Vài ngày sau, các đốm màu trắng kích thước như hạt đậu xuất hiện trên da chị, khiến cả khuôn mặt trở nên loang lổ các màu. Đi khám, chị được kết luận bị rối loạn sắc tố.

Lá trầu không có chứa nhiều chất có thể làm trắng mịn tạm thời, nhưng kết quả cuối cùng là làm tình trạng sắc tố da trở nên xấu đi.

Theo thông tin được đăng tải trên Sức khỏe và Đời sống, trong lá trầu không có chứa một số carbohydrate, axit glucouronic, axit α-hydroxy (axit malic, axit axetic); một số axit amin tự do và tannin... nhưng đồng thời lại có chứa trong đó các dẫn xuất của phenol (eugenol, cavacrol và chavicol), catechol (allyl-pyrocatechol), hoặc benzen (chavibetol, p-cymene, và anethole). Đây là các thành phần đã được nghiên cứu cho thấy sự ảnh hưởng trong việc làm mất sắc tố, gây độc tế bào sắc tố, còn gây ra viêm da tiếp xúc và khiến tình trạng tăng sắc tố trở lại. Các thành phần này cũng được tìm thấy rất nhiều loại thực vật khác như diếp cá, thường xuân…

Trên thực tế lâm sàng hiện nay, mỗi năm số lượng ca đến khám do viêm da tiếp xúc từ đắp lá cây ở các bệnh viện chuyên khoa da liễu là không nhỏ với mức độ từ trung bình đến rất nặng.

Chúng ta không phủ nhận rằng có rất nhiều hoạt chất điều trị được chiết xuất từ thực vật. Tuy nhiên, để sử dụng, chúng đã phải trải qua quá trình tinh chế để loại bỏ các loại gốc axit, phenol, benzene... có hại. Do đó, hãy cẩn thận và đừng tự sử dụng các sản phẩm tự nhiên chưa qua kiểm chứng lên làn da đã yếu ớt hay có vấn đề bệnh lý của mình.

Với tình trạng nám da, BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, nám là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi 100% nhưng điều trị đúng cách, da sáng, khoẻ, đều màu, có thể làm mờ vết nám được 70-80%.

Nhu cầu trị nám má rất cao, bác sĩ Thành khuyến nếu có điều kiện người dân nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu; Nên chủ động bảo vệ da cơ bản khỏi tổn thương bằng cách dùng kem chống nắng, bôi đúng thời gian, đeo khẩu trang đủ dày hay mũ rộng vành, hạn chế ra người trời giờ cao điểm…. Đặc biệt, không nên tự ý điều trị nám bằng cách bôi, đắp các loại kem, lá cây, rượu thuốc…

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP