Lần đầu tiên, tại huyện Con Cuông, các sản phẩm được chế biến các đặc sản từ Cam theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Quả Cam ngon được tận dụng từ vỏ đến ruột, do đó, tránh được sự lãng phí ngay tại vườn,tận dụng được các loại cam loại 3, loại 4, tạo thêm thu nhập cho người trồng cam. Các sản phẩm chế biến từ Cam có tác dụng rất tốt cho sức khỏe như mứt vỏ cam, si ro cam chữa ho, cảm lạnh, tinh dầu cam để mát xa xông hơi đem lại sảng khoái về tinh thần, chữa cảm sốt, sổ mũi, làm đẹp da, cũng có thể dùng trong chế biến các món nướng... Những sản phẩm này đã nâng cao giá trị thương hiệu Cam Con Cuông.
Để có những thành phẩm cam ngon, các hộ trồng cam ở Con Cuông chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho ra các quả cam ngon, ngọt. Đó là việc áp dụng mô hình trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cam Con Cuông chủ yếu được trồng với giống Valencia và Vân Du, năng suất cam đạt khoảng 25 tấn/ha; có hệ thống nước tưới bằng công nghệ nhỏ giọt đến sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc BVTV đều tuân thủ các quy trình kỹ thuật.
Hiện nay, huyện Con Cuông có gần 300ha, trong đó gần 200ha cam tập trung tại xã Yên Khê, năng suất bình quân của cam Con Cuông trong vụ thu hoạch năm 2016 đạt 20 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn. Với giá bình quân 20.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao cho người trồng cam. Tuy nhiên, để cung cấp kịp thời các sản phẩm chế biến từ Cam nhất là vào mùa du lịch, cơ sở sản xuất các đặc sản từ Cam phải được nhân rộng.
Mục tiêu được huyện đặt ra là đến năm 2020 diện tích cam đạt 450ha được quy hoạch chủ yếu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê, Môn Sơn, Lục Dạ, Bồng Khê, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn. Cùng với việc mở rộng quy mô diện tích trồng cam, huyện cũng từng bước khẳng định nhãn hiệu cam Con Cuông đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ Cam.
Tác giả bài viết: Tường Vi
Nguồn tin: