Pháp luật

Cựu lãnh đạo SCB nói phạm tội vì 'sợ ngân hàng đổ vỡ'

Cựu phó tổng và tổng giám đốc SCB đều cho rằng bối cảnh dẫn đến những sai phạm khi duyệt các khoản vay khống để đảo nợ "vì không còn cách nào khác, sợ SCB đổ vỡ".

Chiều 4/11, TAND Cấp cao tại TP HCM xét hỏi các cựu lãnh đạo SCB để làm rõ hành vi sai phạm, cũng như vai trò của bà Trương Mỹ Lan trong việc rút tiền khỏi SCB.

Là người đầu tiên được thẩm vấn, Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) thừa nhận hành vi sai phạm, những lời khai trong hồ sơ về việc bà Lan là người thực sự điều hành SCB, như nêu trong bản án là đúng. Bởi bị cáo là người tham gia các cuộc họp dưới sự điều hành của bà Lan, hoặc trực tiếp và gián tiếp nhận chỉ đạo từ Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trình bày lý do kháng cáo, Hoàng nói mong HĐXX xem xét bối cảnh lúc thực hiện hành vi để giảm nhẹ hình phạt. "Bị cáo liên quan đến vụ án ở cả hai giai đoạn. Cánh cửa để bị cáo về với gia đình còn rất xa khi hai bản án lên tới 30 năm tù", Hoàng trình bày.

Bản án xác định, Hoàng giúp bà Lan rút hàng trăm nghìn tỷ đồng trái luật khỏi SCB, bị truy tố về tội Tham ô tài sản với vai trò đồng phạm của bà Lan. Từ 2019 đến 2021, Hoàng đã ký 253 tờ trình tái thẩm định, 349 biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư hội sở, 39 tờ trình của Tổng giám đốc, trình HĐQT đồng ý cho 270 khách hàng là cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay tiền SCB. Đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án) các khoản vay này còn dư nợ hơn 285.000 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ giá trị tài sản đảm bảo, các khoản vay này còn nợ gần 183.000 tỷ đồng nợ gốc và gây thiệt hại cho SCB 65.000 tỷ đồng tiền lãi.

Trương Khánh Hoàng, cựu quyền tổng giám đốc SCB (giữa). Ảnh: Thanh Tùng

Theo Hoàng, sau nhiều cuộc họp với HĐQT về các khoản nợ đến hạn đã đưa ra phương án lập hồ sơ khống cho vay đảo nợ. "Bị cáo làm những việc này là theo cách mà những lãnh đạo trước đây của SCB đã làm. Có những khoản vay đến hạn mà nếu không đảo nợ thì không biết làm cách nào", Hoàng khai, thêm rằng về mặt quy trình các khoản vay đều được thực hiện đúng nhưng phương án vay và phương án trả nợ thì không đúng.

Cựu quyền tổng giám đốc SCB một lần nữa bày tỏ mong muốn tòa xem xét bối cảnh khi vào SCB ngân hàng rất khó khăn, trong đó có nhiều khoản vay bị cáo ký là để đảo nợ khoản vay từ 10 năm trước.

Trả lời tòa về nhận thức của mình đối với vai trò của bà Lan, Hoàng nói lúc vào SCB làm việc được Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch HĐQT SCB, đang trốn truy nã) cho biết bà Lan là "người đỡ đầu của SCB" nên nghĩ bà Lan có "sức ảnh hưởng đối với ngân hàng". Đó là nhận thức lúc bị cáo đang làm việc, còn hiện nay bị cáo nghĩ bà Lan là người thao túng SCB.

Về trách nhiệm dân sự trong vụ án, bị cáo Hoàng nói sau phiên xử sơ thẩm bị cáo đã tác động nộp một phần tiền cùng với số tiền trong tài khoản bị phong tỏa để khắc phục hậu quả.

Tương tự, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) cũng thừa nhận hành vi sai phạm nêu trong bản án là đúng. Cụ thể, theo chỉ đạo của bà Lan, Dung phối hợp với một số người của Vạn Thịnh Phát thành lập các công ty "ma", lên phương án vay vốn khống, thuê người đứng tên các khoản vay. Dung là người giúp sức tích cực cho bà Lan rút tiền của SCB. Từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022, Dung đã ký hợp thức cho 617 khoản vay, để bà Lan chiếm đoạt số tiền 200.690 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 69.000 tỷ đồng.

Dung thừa nhận, khi bà Lan cần tiền đều chỉ đạo mình thông qua Nguyễn Phương Hồng, lập hồ sơ tạo các khoản vay. Đối với các khoản vay có ký hiệu HSTT (Hội sở tiếp thị) có nghĩa những khoản vay này là của cá nhân bà Lan.

Việc giải ngân số tiền mặt 108.000 tỷ và 14 triệu USD giao cho Bùi Văn Dũng (tài xế riêng của bà Lan) vận chuyển về Tập đoàn hoặc về tòa nhà Sherwood (127 Pasteur, căn hộ bà Lan ở) là làm theo chỉ đạo của bà Lan. Số tiền này dùng vào việc gì thì Dung không biết.

Về lý do xin giảm nhẹ hình phạt 16 năm tù, Dung cũng nói như bị cáo Hoàng - xin tòa xem xét bối cảnh phạm tội. "SCB lúc đó cực kỳ khó khăn, nếu không làm thì SCB sẽ sụp đổ vì nợ. Bị cáo làm vì mong một ngày SCB vượt qua khó khăn, nhưng ngày đó đã không đến. Bị cáo rất ân hận", Dung nghẹn giọng.

Cựu phó giám đốc SCB trình bày tiếp, trước đó có được bà Lan cho 300.000 cổ phần SCB. Tuy nhiên, sau khi nhận bản án sơ thẩm mới biết bị kê biên hơn 470.000 cổ phần bao gồm cả cổ phần do bị cáo mua. Phần chênh lệch 170.000 cổ phần bị cáo đồng ý dùng khắc phục một phần hậu quả.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa ngày 4/11. Ảnh: Thanh Tùng

Tiếp đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cũng thừa nhận bản thân sai phạm vì đã dễ dãi trong việc phê duyệt các khoản vay không đúng quy định. Tuy nhiên, bị cáo không phải là người nhận chỉ đạo trực tiếp từ bà Lan mà bà Lan chỉ đạo các chi nhánh, sau đó các chi nhánh chuyển lên cho mình ký duyệt.

Cựu CEO SCB bị xác định từ 2013 đến 2017 đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 60.000 tỷ đồng. Từ 2018 đến 2020 (trước khi nghỉ việc), Văn đã ký hợp thức hóa hồ sơ cho 348 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 192.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 101.000 tỷ đồng lãi phát sinh.

Trong vụ án này, ông Văn bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Tham ô tài sản. Riêng hành vi trực tiếp mang 5,2 triệu USD đi hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục II - Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) để "bịt sai phạm", bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự.

Về việc duyệt hồ sơ cho vay không đúng quy định, bị cáo Văn nói lúc đó đã không hình dung được mức độ nghiêm trọng của quá trình tái cơ cấu. Khi mới vào làm việc tại SCB, bị cáo cảm thấy quá sức đã xin nghỉ việc, nhưng được bà Lan gọi điện động viên nên làm tiếp.

"Sau này khi có thời gian tính toán lại thì bị cáo mới nhận thấy, để tái cơ cấu được mỗi năm SCB phải tốn 20.000-25.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động và trả nợ. Ngân hàng thiếu nguồn tài chính thực sự, nguồn tiền thực sự đến hạn cần trả nợ thì không đáp ứng được. Quá trình tái cơ cấu SCB, bà Lan và người liên quan đưa tài sản vào để hợp nhất nhưng đó chỉ là tài sản đảm bảo cho các khoản vay", Văn nói.

Cựu tổng giám đốc SCB cho rằng, động cơ của mình khi ký hồ sơ giải ngân để đảo nợ trog nhiều năm là nhằm mục đích "không để ngân hàng đổ nợ". Những lần vay sau luôn bao gồm cả lãi của khoản vay trước và khoản nợ "cứ vậy nở ra" đến ngày hôm nay. Văn cho rằng, sai phạm của mình cũng như nhiều người tại SCB là muốn "bảo vệ thành quả của quá trình tái cơ cấu".

Trình bày lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù chung thân, ông Văn nói bản án nói mình chỉ đạo nâng khống giá trị tài sản là chưa đúng; hoàn cảnh gia đình rất đáng thương khi có 6 con nhỏ... mong tòa tạo điều kiện để sớm về với gia đình nuôi các con trưởng thành.

Một số bị cáo được thẩm vấn sau đó cũng thừa nhận hành vi, trình bày một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt mong HĐXX xem xét.

Bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù chung thân về tội Nhận hối lộ. Ảnh: Thanh Tùng

Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.

Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn bị TAND TP HCM tuyên án tù chung thân về tội Nhận hối lộ. 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB và Võ Tấn Hoàng Văn cũng bị phạt tù chung thân.

81 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù.

Tác giả: Hải Duyên

Nguồn tin: vnexpress.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP