Cái giá mà người cha độc ác phải trả trước pháp luật là bản án 20 năm tù. Với cháu bé, dù nỗi đau thể xác và tinh thần vẫn còn đó, nhưng bà con chòm xóm ai cũng phấn khởi, khâm phục trước sự gượng dậy để sống một cách mãnh liệt của cháu.
Cháu Vũ Quốc Linh ở thời điểm hiện tại. Ảnh: N.Hưng |
Cậu bé nghị lực
Chúng tôi tìm về nhà cháu Linh trong những ngày giáp Tết, thời điểm này cháu đang đùa nghịch cùng lũ bạn cùng trang lứa. Cháu Linh vẫn hồn nhiên vui, cười… còn chúng tôi thì ngậm ngùi thương xót. Một đứa trẻ lẽ ra sẽ có một nụ cười rạng rỡ thì trái lại, cháu đã bị chính người cha đẻ của mình cướp đi, để lại nỗi đau suốt cả cuộc đời với gương mặt, thân thể biến dạng.
Những sẹo lồi chi chít ở mặt, thế nhưng đâu đó trong những khoảnh khắc đùa vui cùng chúng bạn, ánh mắt của Linh vẫn hiện lên một niềm khao khát sống cháy bỏng. Cậu bé rất đáng yêu, lễ phép và thân thiện khi tiếp xúc với chúng tôi. Chị Lê Thị Hà (mẹ cháu Linh) cho biết: “Cháu đang học lớp 4, học rất giỏi, năm nào cũng được Giấy khen. Mặc dù mỗi bàn tay chỉ còn bốn ngón, mỗi ngón dài hơn một đốt nhưng cháu viết chữ rất đẹp, được tham dự cuộc thi vở sạch chữ đẹp cấp nhà trường”.
Nhìn con, chị Lê Thị Hà vừa tự hào, vừa thương xót: “Cháu rất nghị lực và bản lĩnh. Cháu biết bỏ qua những mặc cảm về ngoại hình để phấn đấu. Trước đây, mỗi lần dắt con đi chợ mua quần áo hay tới chỗ đông người, tôi đều dặn con, nếu ai hỏi hay trêu trọc, con đừng bận tâm. Cháu dạ và nghe lời rất lễ phép. Ngày đầu đi học, cháu bị bạn bè trêu đùa, xa lánh... Về nhà cháu khóc nhiều lắm nhưng chưa bao giờ có ý định nghỉ học".
Với bàn tay chỉ có bốn ngón, để cháu có thể viết và viết chữ đẹp, chị đã phải kèm dạy con rất khó khăn. Có hôm, cháu cầm bút tập viết đến đỏ ửng, tay rớm máu nhưng vẫn không kêu đau mà cố gắng tập viết. Đặc biệt, cháu học toán rất nhanh. Cuối năm lớp 2, cháu cũng tự tập xe và tự tới trường…
Những lời sẻ chia từ chị phần nào khiến chúng tôi liên tưởng đến những phép màu kỳ diệu. Sự kỳ diệu ấy ở chính cậu bé. Một mầm xanh tưởng chừng bị vùi dập với tỷ lệ thương tật vì bỏng lên tới trên 86%, nay lại nảy chồi vươn lên đầy sinh lực, khao khát. Ở thời điểm nguy khốn ấy, các bác sỹ cho rằng hi vọng của cháu là rất mong manh, cứu được thì cũng tàn phế hoặc cả đời sống thực vật… thế nhưng sau nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, trong đó có 4 lần được tài trợ sang Hàn Quốc phẫu thuật kéo da, tạo ngón tay và cấy tế bào gốc vào mặt…
Cuộc sống vốn tồn tại những phép màu thần kì chẳng thể lý giải, đâu ai ngờ, cậu bé 3 tuổi năm nào bị bỏng xăng hơn 86% lại hồi sinh mạnh mẽ đến vậy. Ở thời điểm nguy khốn ấy, các bác sỹ cho rằng, hi vọng tồn tại của Linh rất mong manh, cứu được thì cũng tàn phế hoặc cả đời sống thực vật. Từ ngày gặp nạn, Linh phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. Giờ đây, tuy không phải phẫu thuật nữa nhưng những tổn thương trên da thịt luôn khiến cậu bé liên tục ngứa ngáy, đau đớn, khó chịu.
Tâm sự đớn đau của người mẹ
Chị Hà cho biết, nỗi đau và hình hài biến dạng của cháu đang từng ngày phải gánh chịu bắt nguồn từ chính tấn bi kịch của cuộc hôn nhân vá víu của chị và gã chồng máu lạnh. Vốn là người có nhan sắc, nhưng không có điều kiện học hành, hôn nhân đến với chị từ sớm. Thế nhưng, chỉ 3 năm sau hôn nhân gia đình đổ vỡ.
Lần thứ hai, chị gặp quen Vũ Văn Quang (SN 1980, trú tại xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, bố của Linh). Vài lần hò hẹn, đón đưa, năm 2006, chị và gã cưới nhau. Sau cưới, chị ở nhà làm ruộng, còn Quang thì thu mua dừa của bà con trong huyện đem bán cho thương lái. Tưởng rằng từng trải qua biến cố hôn nhân, cả Quang và Hà sẽ trân trọng, nâng niu hạnh phúc đang có. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn, những mâu thuẫn vặt vãnh bắt đầu “rình rập”.
Con người có thể thay đổi thói quen nhưng bản chất vũ phu khi đã ngấm vào máu thì khó lòng gột rửa. Quang mượn rượu chè làm thú tiêu khiển, có men say trong người, gã về nhà trút hết bực dọc, giận dữ lên đầu vợ. “Quang có tài ăn nói và rất khéo lấy lòng phụ nữ. Tôi biết rõ quá khứ của Quang nhưng nhìn thấy anh ta lầm lũi như một dấu chấm hỏi nên động lòng thương xót. Tôi cứ nghĩ chuyện hai người cùng cảnh ngộ cảm mến nhau âu cũng là duyên phận, nào ngờ…”, chị Hà thở dài.
Năm 2008, cháu Linh chào đời với hi vọng là cầu nối gắn kết tình cảm cha mẹ. Nghịch lý thay, Quang be bét hơn xưa. Chị Hà kể: “Càng ngày, tần suất các trận đòn càng tăng lên. Mỗi tháng, tôi bị đánh tới 15 - 20 lần mà chẳng rõ lí do. Cháu Linh mới được mấy tháng, anh ta uống rượu về chửi bới ầm nhà đánh tôi thừa sống, thiếu chết. Anh ta còn gọi điện cho mẹ và em trai tôi đòi trả vợ về. Tôi phải quỳ xuống van xin Quang. Mẹ tôi một mực bắt tôi bỏ chồng, nhưng vì thương cháu Linh, tôi nhẫn nhục chịu đựng”.
Sau nhiều lần hòa giải không mang lại kết quả, ngày 21/4/2011 diễn ra phiên toà giải quyết ly hôn thì Quang giở trò. Anh ta chở con đến tòa án huyện, xách theo can nhựa 2 lít đựng đầy xăng và đổ họa lên đầu con. Chị Hà nói: “Theo bản kết luận giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Thanh Hóa), cháu Linh bị tổn hại sức khỏe tới 86,16%. Ba ngày đầu, cháu rất yếu, tiên lượng xấu. Sau 28 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của cháu nhích dần. Tới tháng thứ ba thì cháu bị nhiễm trùng máu phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Đến nay, cháu đã phần nào đỡ hơn!”.
“Nuôi Linh vất vả lắm, hầu như đêm nào tôi cũng mất ngủ vì phải xoa bóp, gãi ngứa cho cháu. Thời tiết hanh khô, da con nứt nẻ rớm máu phải bôi rất nhiều thuốc. Mũi thì liên tục ngạt, khó thở. Mắt không còn mí nên đêm ngủ chẳng thể khép lại được. Nhìn con, tôi đau lắm nhưng chẳng thể làm gì hơn. Giờ đây, cháu được như vậy với tôi đã là cả một phép màu", chị Hà cố kìm nước mắt. |
Tác giả: Ngọc Hưng
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội