Cố thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 21/6 sinh con gái đầu lòng, trở thành lãnh đạo chính phủ thứ hai sinh con khi đương nhiệm. Người đầu tiên làm điều đó là cố thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto.
Có một số sự trùng hợp thú vị giữa hai người. Con của Ardern ra đời vào ngày 21/6, trùng với sinh nhật của Bhutto. Ardern 37 tuổi, bằng tuổi Bhutto khi bà sinh con gái Bakhtawar Bhutto Zardari vào ngày 25/1/1990, theo BBC.
Nhưng giữa hai nữ lãnh đạo có rất nhiều sự khác biệt. Ardern thông báo bà mang thai 6 tháng trước ngày dự sinh. Bà sẽ nghỉ thai sản trong 6 tuần và bàn giao công việc cho cấp phó. Trong khi đó, Bhutto giữ bí mật về việc mình mang thai và trở lại làm việc ngay khi bác sĩ cho phép.
Bhutto đang trong tâm bão chính trị vào thời điểm mang thai và sinh con. Một liên minh cánh hữu được quân đội hậu thuẫn đã tìm cách vây hãm chính phủ của bà. Năm 1989, một số cựu quan chức tình báo Pakistan muốn lật đổ chính phủ Bhutto bằng cách hối lộ và dọa dẫm các nghị sĩ nhằm khiến họ bỏ phiếu không tín nhiệm Bhutto. Tuy nhiên, kế hoạch bị phanh phui bởi các quan chức tình báo đương nhiệm.
Nữ thủ tướng muốn xóa bỏ luật cho phép tổng thống Pakistan toàn quyền giải tán chính phủ nhưng bà không thu hút đủ sự ủng hộ. Vì vậy, bà giữ kín việc mang thai. "Không ai trong nội các khi đó biết thủ tướng sắp sinh con", Javed Jabbar, quan chức dưới thời Bhutto, nói.
Bà đẻ mổ và nhanh chóng trở lại làm việc. "Ngày hôm sau tôi đi làm trở lại, đọc các tài liệu chính phủ và ký văn bản", Bhutto viết. "Sau đó tôi mới biết rằng tôi là người đứng đầu chính phủ duy nhất trong lịch sử sinh con khi tại nhiệm", bà nói.
"Điều đó có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ trẻ, chứng minh rằng phụ nữ có thể làm việc và sinh con khi đang giữ vị trí lãnh đạo cao nhất và nhiều thử thách nhất".
Tuy nhiên, niềm vui của Bhutto không kéo dài lâu. Vài tháng sau khi Bakhtawar chào đời, Tổng thống Pakistan Ghulam Ishaq Khan năm 1990 sử dụng quyền hạn của mình để bãi bỏ chính phủ của Bhutto với cáo buộc chính quyền bà tham nhũng và có nạn con ông cháu cha.
Liên minh đối lập Islami Jamhoori Ittehad (IJT) chiến thắng cuộc bầu cử cuối năm đó và lên cầm quyền. Syeda Abida Hussain, lãnh đạo phe đối lập, gọi Bhutto là "tham lam" và cho rằng bà muốn "làm mẹ, nội trợ và ăn sung mặc sướng" hơn là phục vụ đất nước.
Chính quyền của IJT sau đó cũng bị xóa bỏ do cáo buộc tham nhũng. Bhutto một lần nữa trở thành thủ tướng năm 1993. Bà thúc đẩy tư nhân hóa kinh tế và nữ quyền. Tuy nhiên, Bhutto cũng vướng vào nhiều bê bối, tiểu biểu là cáo buộc tham nhũng liên quan đến bà và chồng, khiến Tổng thống Pakistan một lần nữa xóa bỏ chính quyền của bà.
Bà sống lưu vong ở Dubai một thời gian trước khi trở về Pakistan để tái tranh cử năm 2007. Bà bị ám sát tại một buổi vận động ở Rawalpindi. Al-Qaeda nhận trách nhiệm đứng sau vụ này.
Bhutto là một lãnh đạo gây tranh cãi. Bà thường bị chỉ trích là thiếu kinh nghiệm và tham nhũng và phải đối mặt với nhiều phản đối từ phe bảo thủ vì chương trình nghị sự hiện đại của mình. Tuy nhiên, bà vẫn được nhiều người dân yêu mến và được các quốc gia phương Tây ủng hộ vì tích cực thúc đẩy dân chủ và nữ quyền. Một số trường đại học và công trình công cộng ở Pakistan được đặt tên theo Benazir. Sự nghiệp của bà cũng có ảnh hưởng đến một số nhà hoạt động bao gồm Malala Yousafzai, cô gái Pakistan đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 vì đấu tranh cho giáo dục nữ giới.
Hôm qua, con gái Bakhtawar của Bhutto đã chúc mừng Ardern trên Twitter và đăng lại bài báo nói về mẹ mình có tiêu đề: "Benazir Bhutto cho thấy bạn có thể vừa làm mẹ, vừa làm thủ tướng".
Nguồn tin: Báo VnExpress