Men theo lối mòn xuống con dốc nhỏ, chỉ tay về hướng căn nhà sàn ọp ẹp, tồi tàn, cán bộ văn phòng xã Tân Phúc cho biết, đây là căn nhà của gia đình bà Pùn. Thấy có khách đến, bà Pùn từ nhà hàng xóm tất tả đi về với vẻ ngạc nhiên, qua lời giới thiệu bằng tiếng Thái của cán bộ xã, bà Pùn mới hiểu về những vị khách ghé thăm nhà mình.
Bà Pùn kể lại cuộc đời của mình bằng giọng lơ lớ tiếng Việt. Năm 1967, bà lấy chồng, về nhà chồng chưa được bao lâu, ông Pằn đã lên đường đi bộ đội. Vào quân ngũ chưa được bao lâu, do ông bị ốm nên ông được đơn vị cho về quê chữa bệnh. Năm 1968, sau khi chữa bệnh xong, ông lại lên đường nhập ngũ.
Ngày ông Pằn đi bộ đội, cậu con trai duy nhất là Hà Văn Chanh mới vừa được 3 tháng tuổi. Sau nhiều năm chồng đi chiến đấu, bà ở nhà một mình nuôi con và đến năm 1973 thì nhận được tin ông đã hi sinh ở mặt trận phía Nam.
Sau khi chồng hi sinh, bà ở vậy nuôi bố mẹ chồng. Năm 1977, mẹ chồng qua đời, đến năm 1994, bố chồng cũng rời bỏ gia đình. “Lấy chồng cũng chưa kịp quen nhau, cưới xong ông chỉ ở nhà được mấy tháng là đi bộ đội. Đi là mất tích luôn, không thư, không từ. Đến khi hi sinh cũng không có cái ảnh mà thờ. Con lớn lên cũng không biết mặt bố như thế nào”, bà Pùn kể.
Cậu con trai duy nhất của ông bà sinh ra vốn bị khuyết tật bẩm sinh, chẳng làm lụng được gì nặng để giúp mẹ và gia đình. Lớn lên anh Chanh lập gia đình và sinh được hai cậu con trai.
Nhắc về cuộc sống của mình, bà Pùn nói: “Ô, quá khổ đi cháu à, con trai bị dị tật, nhà lại quá nghèo. Nuôi con từ khi 3 tháng tuổi bà không đi bước nữa, rồi lại nuôi cháu. Nói ra thì thấy khổ lắm, chỉ muốn khóc thôi. Khổ hơn hết cả cái làng ni, ăn uống không có, cái chi cũng thiếu, ông bà thì chết sớm, con thì mang bệnh, mang tật”.
Từ ngày chồng hi sinh, bố mẹ chồng qua đời, bà ở với gia đình con trai trong căn nhà sàn ọp ẹp nằm cạnh hai gian nhà cấp bốn lụp xụp. Căn nhà đó là chỗ chui ra chui vào của cả gia đình bốn thế hệ. Nhìn quanh, nhìn quẩn trong nhà chỉ duy nhất cái ti vi “đời cổ” là có giá trị.
Bà nội ngày một già yếu, bố thì bị khuyết tật, mẹ bị bệnh tâm thần chẳng làm gì được, để có người phụ giúp thêm nên năm 2009, khi mới vừa tròn 18 tuổi, cậu con trai đầu của anh Hà Văn Chanh là Hà Văn Trang (SN 1988) cưới vợ. Hiện tại vợ chồng Trang đã có một cô con gái 6 tuổi và vợ đang mang bầu đứa thứ 2.
Nhìn đứa cháu nội của mình phải vất vả từ sớm, giờ lại trở thành trụ cột chính trong gia đình, bà Pùn nói: “Nuôi con một mình, có ngày thì có cái ăn, có ngày thì không có. Những khi mất mùa thì lên rừng đi đào củ mài, củ chuối và hái ngọn cây đu đủ ăn thôi. Giờ lại đến nuôi cháu, nhưng già rồi không làm được chi cả”.
Miệng vừa tòm tèm nhai trầu, bà vừa kể về cuộc đời của mình với những nỗi khổ đau, éo le cứ dồn dập đến. Với bà, những nỗi khổ đau đó như nó đã quá quen thuộc với mình: “Em trai của nó (em trai của anh Hà Văn Trang-PV) bị tai nạn giao thông mất năm 2012. Một năm sau thì bố nó cũng mất vì bị bệnh hiểm nghèo. Ngày trước mới học hết lớp 8 là nó phải bỏ học đi làm thuê rồi”.
Nhà đông miệng ăn nhưng chỉ trông vào gần 2 sào ruộng và hơn 100 bụi luồng. Là lao động chính trong gia đình, nhưng Trang chỉ ở nhà làm ruộng, không đi làm thuê ở đâu xa được, có đi cũng chỉ được dăm bữa, nửa tháng là lại phải về. “Em muốn đi làm thuê để kiếm thêm tiền về nuôi cả nhà, nhưng đi làm thì lo về nhà, không đi làm xa được, ở nhà mọi người ốm đau gọi điện lại phải về. Vất vả lắm, nhà hư hết rồi, muốn làm lại để ở cho chắc chắn mà không đi làm thuê được nên không có tiền”, Trang chia sẻ.
Đang dở câu chuyện, một người đàn bà trung niên bước qua bậc cửa nhà sàn đi thẳng vào trong, không nói không rằng cứ nhìm chằm chằm vào chúng tôi. Bà Pùn liền giới thiệu đó là cô con dâu Vi Thị Nhóm (SN 1966) của bà.
Con dâu của bà vốn bị bệnh tâm thần đã mấy chục năm nay. Có những lúc bình thường thì còn giúp được việc vặt trong nhà, còn đâu suốt ngày cứ bỏ nhà đi. Có những lần đi cả đêm, vài ba ngày mới thấy về, không chăm con, chăm cháu được gì. Gia đình cũng đã đưa đi chữa bệnh nhiều lần nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền nên đành đưa về, tính nết cứ gàn gàn, dở dở.
Trong căn nhà ấy, những con người phải sống chung với cảnh đói nghèo, thiếu thốn đủ thứ mà chẳng còn biết làm gì để thay đổi. Sau những lúc làm đồng, đi chặt luồng, đêm xuống, Trang lại tranh thủ đi soi được con ếch, con nhái, hay xuống suối kiếm được con tôm, con cá thì gia đình mới có cái cải thiện bữa ăn. Có những hôm cả nhà phải nhịn ăn vì hết gạo.
Trời đã quá trưa, cô cháu dâu của bà Pùn lúi húi dọn cơm cho cả nhà ăn. Nhìn mâm cơm được bày ra giữa nhà sàn chỉ có một rổ rau luộc mà bà Pùn giới thiệu đó là món rau bằng lá sắn luộc, một bát canh rau và một bát nước chấm. Cả nhà ngồi xúm lại quanh mâm cơm ăn một cách ngon lành.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình bà Pùn, ông Lê Công Tự, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết: “Bà Pùn là thân nhân liệt sĩ, thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh so với các hộ chính sách của xã là rất khó khăn. Con trai mất, ở với cháu nội, con dâu thì bị tâm thần, cháu nội mất một đứa. Bà đã cao tuổi, sức yếu, khả năng lao động không còn nữa, chỉ sống nhờ vào chế độ của nhà nước”.
“Đối với chế độ của nhà nước xã rất quan tâm, ngoài ra, hàng năm, huyện và xã đều có quà riêng. Gia đình quá khổ, lâu nay có chương trình gì xã cũng đều quan tâm, về nhà cửa thì chính sách đã đề xuất nhiều lần rồi, nhưng kinh phí không đủ để làm nhà. Mong nhà báo có tiếng nói kêu gọi các nhà hảo tâm để sau này cùng với địa phương, thôn bản và gia đình làm cho bà cái nhà”.
Đề xuất của ông Tự cũng là mong muốn của chúng tôi sau khi tiếp xúc với hoàn cảnh gia đình bà Pùn. Hình ảnh về mâm cơm chẳng có thứ thì ngoài những lá rau rừng, nhưng đứa chắt gái mới 6 tuổi và cô cháu dâu đang mang bầu của bà Pùn cũng ăn ngấu nghiến cứ ám ảnh mãi trong tâm trí chúng tôi.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Bà Hà Thị Pùn: Thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.
SĐT: 0163.885.2144 (Hà Văn Trang, cháu nội bà Pùn)
Nguồn tin: Báo Dân trí