"Tôi quan ngại sâu sắc về những cáo buộc giết chóc và các phát ngôn công khai từ quan chức cao cấp của Philippines lại có vẻ chấp nhận những vụ giết người như thế", Reuters dẫn tuyên bố của công tố viên ICC Fatou Bensouda hôm 15/10.
Philippines gia nhập ICC (trụ sở tại The Hague, Hà Lan) tháng 11/2011. Bà Bensouda cho biết việc giết người không qua xét xử có thể bị ICC truy tố nếu nhận thấy "đây là một phần của cuộc tấn công rộng khắp hoặc có hệ thống chống lại con người".
Một cảnh sát đụng độ với người dân trong cuộc bố ráp tội phạm ma túy ở Philippines. Ảnh: Reuters
Hôm 13/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế khi công khai chỉ trích những người phản đối cuộc chiến chống ma túy do ông phát động. Ông Duterte gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc là "những kẻ ngốc" và ông sẽ làm họ bẽ mặt nếu tiếp tục chất vấn chiến dịch của ông.
Trong khi đó, thư ký của Tổng thống Duterte, ông Martin Andanar, nói rằng ông Duterte "sẵn sàng chịu sự điều tra hơn ai hết".
"Nhiều người trong số thiệt mạng bị giết theo đúng quy trình pháp lý của cảnh sát, việc này đang được điều tra theo sự chỉ đạo của cảnh sát", ông Andanar nói tiếp.
Hơn 3.500 người đã chết trong chiến dịch chống ma túy do tổng thống Philippines phát động từ khi ông lên nhậm chức hồi tháng 6.
Tòa Hình sự Quốc tế thành lập năm 1998 theo Quy chế Rome. Đây là tòa án cấp cao nhất sẽ can thiệp khi nhận thấy một quốc gia không sẵn lòng hoặc không đủ khả năng truy tố các tội phạm được nêu trong quy chế, bao gồm tội phạm chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng.
Tác giả bài viết: Phương Thảo
Nguồn tin: