Nhân nói chuyện yêu và ghét, người ta vẫn thường hay đặt Công Vinh bên cạnh Văn Quyến. Sự thật, ở tuổi đôi mươi Quyến đã có tất cả, còn Vinh vẫn giống như một cầu thủ học việc. Và sự thật nếu Quyến không sa cơ, có lẽ khi Vinh giải nghệ, người ta sẽ không nói về anh nhiều như thế.
Trong bóng đá có hai dạng cầu thủ: Một là anh ta sinh ra đã sở hữu những kỹ năng thiên bẩm. Tức khi quả bóng nằm trong chân, ngay lập tức người ta nghĩ đến thứ bóng đá trình diễn, với nền tảng kỹ thuật siêu hạng. Và thứ hai, có tố chất nhưng phải trải qua một hành trình khổ luyện mới thành tài.
Công Vinh: Công sức, vinh quang và nước mắt
Bóng đá thế giới đã có những tranh cãi nảy lửa về cái gọi là tài năng thiên bẩm và tài năng khổ luyện giữa Pele và Maradona, hay Messi và Ronaldo. Ở Việt Nam, Quyến và Vinh cũng được đặt lên bàn cân theo cách ấy. Thật khó để nói ai hơn ai vì đó là quan điểm của từng người. Nhưng bóng đá cũng giống như quy luật xã hội, đôi khi cần (phải) chia thành hai nửa đối lập mới thúc đẩy sự phát triển, cạnh tranh trong chính nó.
Bây giờ Công Vinh đã giải nghệ. Gia tài mà anh để lại cho bóng đá Việt Nam là những kỷ lục mà chưa biết đến bao giờ thế hệ sau anh mới có thể xô đổ. Vinh chia tay trong nước mắt và cả sự bi ai. Đó là một cuộc chia tay không trọn vẹn. Nhưng như Quyến đã nói: “Tôi biết Vinh còn làm được hơn nữa, nhưng như thế cậu ấy đã là một cầu thủ quá tuyệt vời rồi”.
Vâng, Công Vinh vẫn chưa lật đến cuối trang sách nhưng anh đã là một huyền thoại, mà đã là huyền thoại thì sẽ bất tử với thời gian. Và chúng tôi dám chắc, rồi đây Vinh sẽ được nhắc đến như một biểu tượng của sự chiến đấu, chiến thắng của bóng đá Việt Nam. Cám ơn anh vì tất cả!
Video: Sội động với bài rap về cuộc đời sự nghiệp Công Vinh
Tác giả bài viết: Đức Nguyễn
Nguồn tin: