Công Vinh gia nhập “lò” Sông Lam năm 14 tuổi. Đối với đào tạo trẻ, như thế là muộn và không dễ để bắt nhịp với các cầu thủ khác. Bên cạnh, bản thân không không thuộc diện có năng khiếu bẩm sinh nên để theo được giấc mơ với trái bóng tròn, Công Vinh đã phải rất vất vả.
Cố gắng thể hiện mình, để các thầy ghi nhận là một chặng đường dài; chưa kể thời gian ấy, Công Vinh luôn đau đáu với những gì đang diễn ra ở quê nhà. Câu chuyện về người cha mang tiếng đi tù, câu chuyện mẹ đi bước nữa khiến tình cảm gia đình không còn được vẹn tròn.
Công Vinh đã tìm lại nụ cười cho cả gia đình.
Chưa đủ lớn nhưng Công Vinh hiểu rằng, bản thân phải nén cảm xúc, nén sự nhớ nhung, nén nỗi đau; cố gắng chịu đựng những nỗi buồn khi bị các thầy chê đá bóng cứng như que củi hay thiếu một đôi dép lành lặn trong ngày cưới của chị gái. Một Công Vinh ý chí và bản lĩnh từ khi mới 14-15 tuổi.
Nhiều năm không được ghi nhận nhưng Công Vinh vẫn nỗ lực với ý nghĩ, thành công sẽ công quay lưng với người biết cố gắng. Khác với nhiều cầu thủ ở “lò” Sông Lam, Công Vinh không có nhiều danh hiệu ở các giải trẻ; bởi thời gian ấy, cầu thủ quê huyện Quỳnh Lưu này chỉ là kép phụ. Bà Hồ Thị Tuệ đã tính nhiều lần đưa Công Vinh về quê tìm hướng đi khác nhưng các thầy quý, muốn Vinh ở lại để tìm cơ hội.
Ít ai biết được rằng, giải đấu Công Vinh tỏa sáng đầu tiên lại là ở sân chơi học đường, khi thi đấu cho Nghệ An ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Như là số phận, từ sau giải đấu này, Công Vinh tỏa sáng và ở bất cứ sân chơi nào, tiền đạo xứ Nghệ này cũng ghi dấu ấn.
Năm 18 tuổi, Công Vinh đã là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League, Quả bóng vàng Việt Nam.
Người ta thường bảo, nếu Văn Quyến không sa ngã thì không có Công Vinh ngày hôm nay. Nói thế không hoàn toàn đúng. Một người làm bóng đá trẻ lâu năm ở “lò” Sông Lam cho biết, khác biệt chỉ là điểm xuất phát, còn nếu có Quyến, Vinh vẫn tỏa sáng.
Thực tế cho thấy, SEA Games 22 là đỉnh cao của Văn Quyến, Thanh Bình nhưng Công Vinh dù là kẻ đến sau cũng không là người thừa. Giải đấu này, Công Vinh vẫn có cho mình 1 bàn thắng vào lưới U.23 Lào.
Năm 2004, Văn Quyến vẫn ở đó nhưng thực tế, Công Vinh đã vượt mặt. Ngoài một mùa giải V.League thành công với SLNA, Công Vinh còn ghi dấu ấn tại ĐTQG ở AFF Cup và dễ hiểu vì sao, anh được nhận danh hiệu Quả bóng Vàng năm ấy.
Tại SEA Games 2005 cũng vậy, dù Văn Quyến vẫn còn đó nhưng Vinh không hề thua kém, thậm chí còn toàn diện hơn. Nói thế để thấy rằng, giữa tài năng bẩm sinh và một bên là ý chí; mọi sự so sánh đều khập khiễng và nói Văn Quyến dính lao lý đã mở ra cơ hội cho Công Vinh thì không công bằng lắm.
Nhưng điều hạnh phúc hơn với Công Vinh trong giai đoạn này, đó là việc; nhìn vào niềm tự hào mang tên anh, gia đình đã bớt đi phần nào những nỗi buồn. Cha ra tù và xác định, phải sống sao cho xứng đáng với những nỗ lực của con trai.
Không ai khác, chính Công Vinh là người đứng ra tổ chức đám cưới và mua nhà cho cha ở thành phố Vinh. Ở Quỳnh Lưu, bà Tuệ cũng tự hào về con và những khó khăn, vất vả; dường như đã ở lại phía sau lưng.
Từ trong những hy sinh gian khổ, Công Vinh nhận ra, không có còn đường cùng, chỉ có những ranh giới mà thôi. Nghị lực đã giúp Công Vinh vượt qua những ranh giới ấy để làm thay đổi chính cuộc sống của mình và của cả gia đình.
Kỳ 3: “Kỷ lục gia” Lê Công Vinh và những bài học lớn
Tác giả bài viết: Lâm Vũ
Nguồn tin: