Thế giới

Công ty Trung Quốc xây 'chung cư' 26 tầng để nuôi heo

Mô hình “trang trại chọc trời” tại Trung Quốc đang là bước đột phá của ngành chăn nuôi, giúp giải quyết bài toán thiếu hụt diện tích, tăng năng suất và chất lượng thực phẩm.

Hai tòa nhà cao 26 tầng để chăn nuôi heo tại Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Xinhua.

Tại Trung Quốc, một hệ thống chăn nuôi heo tiên tiến đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận trong nước và quốc tế.

Khác xa với những trang trại truyền thống, một mô hình chăn nuôi heo thẳng đứng đã được triển khai tại thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, với 2 tòa nhà cao 26 tầng, ứng dụng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, theo SCMP.

"Chuồng heo" hơn nửa tỷ USD

Sự độc đáo của trang trại này đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc nhớ nhân vật Trư Bát Giới trong tác phẩm kinh điển Tây Du Ký và ví von là "Tòa nhà Bát Giới". Hình ảnh những chú heo sinh sống trong các tòa nhà cao tầng đã tạo nên một làn sóng thảo luận sôi nổi.

Ông Jin Lin, Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi Hiện đại Hồ Bắc Zhongxin Kaiwei - đơn vị xây dựng và vận hành trang trại - cho biết mỗi tòa nhà có tổng diện tích sàn lên đến 390.000 m2 và tổng cộng có thể sản xuất tới 1,2 triệu con heo mỗi năm.

Ông Jin Lin - Tổng giám đốc Công ty Zhongxin Kaiwei đang đứng trước màn hình tivi theo dõi các khu chăm sóc chuyên biệt của trang trại. Ảnh: The New York Times.

Tổng đầu tư của trang trại 26 tầng này lên đến hơn 4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 557 triệu USD), ước tính cung cấp 108.000 tấn thịt heo mỗi năm.

Trang trại này hiện có hơn 800 nhân viên, trung bình mỗi người phụ trách khoảng 1.500 con heo. Hoạt động chăn nuôi bắt đầu từ tháng 9/2022, khi lứa heo nái đầu tiên được đưa vào tòa nhà.

The New York Times cho biết bên trong tòa nhà, hệ thống quản lý trang trại vận hành như một trung tâm điều khiển NASA, nơi các kỹ thuật viên theo dõi đàn heo qua camera độ nét cao. Mỗi tầng hoạt động như một nông trại khép kín, từ khu mang thai, khu sinh sản, khu nuôi dưỡng đến khu vỗ béo.

Giải quyết nhiều vấn đề của ngành chăn nuôi

Để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm, trang trại sử dụng hệ thống vận chuyển thức ăn tự động. Thức ăn được đưa lên tầng thượng bằng băng chuyền, sau đó phân phối xuống từng tầng thông qua các máng ăn thông minh. Hệ thống này cung cấp hơn 450.000 kg thức ăn mỗi ngày.

Đặc biệt, hệ thống này còn tích hợp công nghệ kiểm soát dinh dưỡng thông minh, đảm bảo mỗi con heo được chăm sóc theo chế độ phù hợp với giống loài, trọng lượng, tình trạng sức khỏe, giai đoạn phát triển và yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, mỗi ngày, đàn heo đều được tắm rửa nhằm duy trì môi trường sống sạch sẽ.

Ngay cả chất thải của đàn heo cũng được thu gom và tái sử dụng. Khoảng 25% lượng thức ăn đầu vào sẽ trở thành phân khô, sau đó được xử lý thành khí methane để sản xuất điện.

Từ trung tâm điều khiển ở tầng một, một nhóm kỹ thuật viên theo dõi các đàn heo thông qua một loạt màn hình, kiểm soát mọi thứ từ lượng thức ăn và nước uống đến hệ thống thông gió và nhiệt độ phòng. Ảnh: The New York Times.

Ông Zhuge Wenda, Chủ tịch Công ty Chăn nuôi Hiện đại Hồ Bắc Zhongxin Kaiwei, nhận định rằng phương thức chăn nuôi truyền thống tại các vùng nông thôn thường khiến heo phải sinh hoạt trong không gian chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh.

"Mặc dù thường bị hiểu lầm là loài động vật bẩn, heo thực chất có xu hướng sống sạch sẽ. Mô hình chăn nuôi thẳng đứng với các khu chức năng riêng biệt giúp đảm bảo điều kiện vệ sinh tối ưu, hạn chế ô nhiễm môi trường", ông Zhuge nhấn mạnh.

Ngoài việc nâng cao chất lượng chăn nuôi, mô hình này còn giúp giải quyết nhiều thách thức trong ngành, đặc biệt là vấn đề chi phí.

Chuyên gia Chen Shunyou từ Đại học Nông nghiệp Hoa Trung (tỉnh Hồ Bắc) đã chia sẻ với Xinhua rằng hệ thống chăn nuôi cao tầng giúp tiết kiệm đáng kể diện tích đất, đồng thời giảm chi phí lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Được biết, đây hiện là mô hình chăn nuôi đang được đẩy mạnh trên khắp Trung Quốc trong nỗ lực cải thiện năng suất nông nghiệp và giảm phụ thuộc vào nguồn thịt nhập khẩu. Khi diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, việc tối ưu hóa sản xuất thực phẩm cũng đang trở thành ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.

Tác giả: Phương Linh

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP