Anh Xuân Tiến (32 tuổi, phường Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết khoảng 3 tháng trước, anh liên tục nhận được điện thoại từ các số máy lạ tự xưng là nhân viên của một công ty tài chính tại TP.HCM yêu cầu thanh toán tiền vay trả góp.
Không vay tiền vẫn bị truy nợ
"Tôi không hề vay tiền của công ty tài chính nào nhưng trong nhiều ngày, các số điện thoại lạ liên tục gọi tới yêu cầu thanh toán khoản trả góp 2,4 triệu đồng trong tháng 12/2018. Nếu không thanh toán đúng hạn, tôi sẽ bị đưa vào nhóm nợ xấu, sau này sẽ không thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm tài chính của ngân hàng nữa", anh Tiến cho hay.
Sau khi yêu cầu phía công ty cung cấp nội dung khoản vay, anh Tiến được biết một người thân trong gia đình anh đã vay 30 triệu đồng để mua điện máy trả góp và cung cấp 3 số điện thoại tham chiếu, trong đó có số của anh.
Khi đến hạn trả hàng tháng, mỗi lần không liên lạc được với người vay, phía công ty cho vay đều gọi điện tới các số điện thoại tham chiếu để nhắc nợ.
Anh Tiến cho biết dù đã khẳng định không liên quan tới khoản vay trên, suốt một tháng sau đó, các số máy lạ vẫn gọi tới làm phiền. Đến đầu tháng 2 thì những số máy này không còn gọi điện cho anh, nhưng lại nhắn tin mời chào anh Tiến vay tiền.
Thực tế, anh Tiến không phải trường hợp hiếm khi không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ.
Nhiều trường hợp người không đứng ra vay tiền nhưng liên tục bị các công ty tài chính gọi điện đòi nợ. Ảnh minh họa: V.A. |
Giữa năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng từng cho biết cơ quan này ghi nhận rất nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ dù không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan.
Dù đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị đơn vị liên hệ kiểm tra lại thông tin, các thuê bao này vẫn tiếp tục bị gọi điện nhắc nợ, một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 6 tháng, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.
Sửa quy định để chặn việc đòi nợ kiểu quấy rối
Trước tình trạng phức tạp của hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định về hoạt động nhắc, đòi nợ vào dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Theo dự thảo mới, các công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty.
NHNN giải thích thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số công ty nhắc nợ, đòi nợ với người không có nghĩa vụ trả nợ cho các công ty tài chính này, gây bức xúc dư luận.
Đặc biệt, nhiều trường hợp những người thân trong gia đình của người vay tuy không chịu trách nhiệm trả nợ với công ty nhưng liên tục bị gọi điện đòi nợ, làm phiền. Vì vậy, NHNN đưa ra quy định này nhằm hạn chế tình trạng trên.
Ngoài việc siết quy định về hoạt động đòi nợ của các công ty tài chính, dự thảo lần này đã bổ sung quy định về việc giải ngân với các khoản vay trả góp và vay tiền mặt của người dân.
Cụ thể, trong hoạt động vay trả góp, công ty tài chính sẽ giải ngân bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản cho bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) sau khi khách hàng đã nhận được hàng hóa, dịch vụ theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Đối với các khoản vay trực tiếp, công ty tài chính sẽ giải ngân bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản cho khách vay theo thỏa thuận.
Đại diện cơ quan soạn thảo cũng cho biết, cho vay giải ngân trực tiếp có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Vì vậy, để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, hiệu quả, việc giải ngân trực tiếp nên hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.
Vì vậy, NHNN quy định, công ty tài chính chỉ được cho vay trực tiếp đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty, và được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định. Đồng thời, khách hàng phải không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay trực tiếp cũng không được vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính.
Thực tế hiện tại, các công ty tài chính Việt như FE Credit, Home Credit, HD Saison... mới chỉ tập trung vào hai sản phẩm tài chính là vay trả góp và vay tiền mặt. Với quy định này, buộc các công ty tài chính sẽ đẩy nguồn tín dụng về phía vay mua sản phẩm trả góp thay vì việc cho vay tiền mặt đang phổ biến hiện nay.
Tác giả: Quang Thắng
Nguồn tin: zing.vn