Phản ánh vấn đề này với chúng tôi, chị V.T.M.T (xã Thạch Hội, Thạch Hà), cho biết: “Tôi mới ra trường, cần chiếc máy tính để đi làm. Tháng 5/2016, tôi mua chiếc máy tính hiệu Asus, giá 7,5 triệu đồng, trong đó có 5,2 triệu đồng vay qua dịch vụ cho vay trả góp của Công ty VPB FC. Trong hợp đồng, tôi vay 12 tháng, nhưng không rõ lãi suất bao nhiêu %. Mới đây, khi đọc Báo Hà Tĩnh, tôi mới giật mình, hóa ra, tôi cũng bị tính lãi cao như vay nặng lãi mà không hề hay biết. Cụ thể, tôi vay 5,2 triệu đồng, mỗi tháng phải trả 887 nghìn đồng cả gốc và lãi, tính ra 12 tháng, số tiền tôi phải trả lên đến 10,644 triệu đồng. Đó là chưa kể, có 4 tháng tôi bị chậm nộp ít ngày, đã bị phạt 250 nghìn đồng/tháng. Nếu tính cả tiền phạt, tôi phải “gánh” một khoản nợ lên đến 11,6 triệu đồng sau 1 năm cho khoản vay chỉ 5,2 triệu đồng”.
Cùng chung “cảnh ngộ” như chị T., chị N.T.Y.T (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh), cũng “kêu trời” vì khoản lãi vay từ VPB FC. Chị cho biết: “Tháng 4/2016, tôi vay 20 triệu đồng của VPB FC, với thời hạn trả góp 12 tháng. Khi ký hợp đồng vay, tôi cũng chỉ xem qua chứ không đọc kỹ vì hợp đồng quá dài và nhiều chỗ không hiểu. Một phần, tôi nghĩ đây là VPBank, một ngân hàng có tên tuổi nên tôi yên tâm về lãi suất. Sau khi ký hợp đồng, công ty phát cho tôi một thẻ thanh toán, với số tiền thanh toán hàng tháng là 2 triệu 641 nghìn đồng, tổng số tiền cả gốc và lãi tôi phải trả lên đến 31.692 nghìn đồng. Như vậy, chỉ với 20 triệu đồng tiền gốc, 1 năm phải chịu đến 11.692 ngàn đồng tiền lãi, chẳng khác nào đi vay nặng lãi. Đó là chưa kể, khi vay, tôi chỉ nhận được 19 triệu đồng, vì bị trừ đi 1 triệu đồng bảo hiểm”.
Trường hợp của chị Th. (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) thì còn “đắng” hơn khi biết “bẫy” nhưng vẫn phải “chui” vào. Cách đây hơn 1 năm, do tính chất buôn bán, chị cần gấp số tiền 20 triệu đồng. Chị đã “gõ cửa” công ty tài chính VPB FC, thế nhưng, khi hợp đồng đã ký xong xuôi, đợi mãi đến tận 5-6 ngày sau vẫn không được giải ngân. Lúc đấy, chị đã kịp xoay chỗ khác và có ý định hồi lại khoản vay của dịch vụ này vì nhiều lời khuyên can. Thế nhưng, khi đã đặt bút ký thì muốn hay không chị cũng phải nhận tiền.
Chị Th. cho hay: “Người ta bảo mình đã ký hợp đồng thì phải tự chịu trách nhiệm, còn việc giải ngân lúc nào là quyền của công ty. Lúc đó vì sợ nếu không nhận tiền thì người ta sẽ báo công nợ, rồi chuyển sang nợ xấu thì về sau khó vay được bất cứ ngân hàng nào nên đành “cố đấm ăn xôi”.
Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh Trần Đình Hồng cho rằng: “Các cơ quan nhà nước cần theo dõi, kiểm tra xem việc cho vay ở công ty tài chính có biến tướng gì hay không. Thực tế người tiêu dùng, xu thế các bạn trẻ bây giờ thường thích mua xe, điện thoại đẹp, trong khi khả năng tài chính hạn hẹp. Không có tiền, buộc đi vay nhưng không tìm hiểu kỹ nên nhiều người đã phải còng lưng trả lãi. Chúng tôi khuyến cáo, người tiêu dùng trước khi tham gia vào dịch vụ này cần tính toán cẩn thận. Chúng tôi đã link các bài của Báo Hà Tĩnh đăng về vấn đề này lên trang web của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được rất nhiều bạn đọc theo dõi”.
Độc giả Nguyễn Thị Hà (TP Hà Tĩnh), cho biết: “Tôi tìm hiểu thì thấy rằng, dịch vụ cho vay này thiếu minh bạch ở chỗ, không tính rõ lãi suất cụ thể cho khách hàng trong hợp đồng. Nếu làm ăn minh bạch, phía cho vay phải ghi cụ thể từng mức lãi suất trong hợp đồng cho khách biết; các điều khoản khi tranh chấp hợp đồng cũng được ghi cụ thể. Khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi vay dịch vụ này, kẻo phải trả lãi cao mà không biết. Đó là chưa nói đến những rắc rối phát sinh trong trường hợp không thực hiện thanh toán nợ theo đúng hợp đồng”.
Tác giả bài viết: Nhóm PV Kinh
Nguồn tin: