Kinh tế

'Công nghệ chế' mực khô biển Quỳnh

Mực khô Quỳnh Lưu được biết đến với chất lượng thơm ngọt, dai giòn. Sản lượng khai thác mực của huyện khoảng 4.000 tấn/năm, đây là cơ sở để huyện xây dựng thương hiệu mực khô.

700 stamp 1 (2)
Mực khô Quỳnh Lưu nổi tiếng thơm, ngọt và thịt dai giòn. Ảnh: Việt Hùng

Quỳnh Lưu là huyện có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất tỉnh Nghệ An. Mỗi năm, sản lượng khai thác đạt từ 50.000 - 55.000 tấn với phong phú các loại hải sản từ tôm, cua, ghẹ, cá các loại và đặc biệt là mực câu. Sản lượng mực mỗi năm của huyện đạt gần 4.000 tấn.

Sau mỗi chuyến vươn khơi, khi trở về cập bến, ngoài một lượng lớn mực tươi được nhập cho thương lái ngay tại bến, ngư dân Quỳnh Lưu còn sản xuất mực khô ngay trên tàu. Mực khô chủ yếu được sản xuất trên những con tàu khai thác nghề chụp 2 sào, 4 sào kết hợp câu, hoặc trên những tàu thuyền chuyên nghề câu mực từ ngoài khơi vùng biển Vịnh Bắc bộ.

Theo bà con ngư dân thì càng tối trời càng dễ câu mực, vì con mực sẽ theo ánh sáng của đèn chiếu trên tàu mà đến ăn mồi. Do đó, trên các phương tiện hiện nay, dàn đèn công suất lớn đã được ngư dân chú trọng đầu tư. Nhờ vậy, khi khai thác trên biển, ánh sáng được tỏa ra với diện tích rộng, thu hút được mực cắn câu. Có chuyến, mỗi thuyền thu về cả chục tấn mực to.
700 stamp 2
Mực khô được thương lái thu mua ngay tại bến với giá giao động từ 500.000 - 800.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Ảnh: Lê Nhung

Anh Nguyễn Văn Trí - một ngư dân đã có gần chục năm đi nghề câu mực ở xã Sơn Hải ( Quỳnh Lưu) cho biết: “Làm mực tươi xong là phơi ngay trên thuyền. Sau khi rửa nước mặn, bỏ đá vào rồi tiếp tục rửa qua lần nữa để tẩy hết mặn”.

Mực khô Quỳnh Lưu có vị ngọt đặc trưng so với những nơi khác do cách sơ chế khâu ban đầu. Mực khi câu lên còn tươi được ngư dân phân loại, lựa chọn những con to, mình dày, thịt trắng để làm mực khô.

Sau những lúc đánh cá, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi trên thuyền, anh em bạn thuyền đem mực ra sơ chế, rửa sạch nước biển để giảm độ mặn và hong phơi trên mạn thuyền. Vì thế mực khô Quỳnh Lưu thường ngon ngọt, dai, có màu vàng đẹp.

Vào mùa, những tàu lớn công suất từ 600 CV trở lên sau mỗi chuyến biển đều thu được từ 50 - 100 kg mực khô. Khi cập cảng, mực khô được nhập ngay cho các thương lái đưa vào kho cấp đông. Sau đó, theo chân thương lái, mực khô Quỳnh Lưu tiếp tục vươn ra thị trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc…

700 stamp 1 (3)
Mực khi câu lên còn tươi được ngư dân phân loại, lựa chọn những con to, mình dày, thịt trắng để làm mực khô. Ảnh: Việt Hùng

Để đảm bảo và giữ được độ tươi ngon của mực khô thì cách bảo quản trong kho cấp đông là quan trọng. Nếu làm không đúng cách mực bị đổi màu, chất lượng thấp, giảm giá trị kinh tế. Do đó, hiện nay nhiều ngư dân Quỳnh Lưu bên cạnh đầu tư kinh phí mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán tàu thuyền còn đầu tư xây dựng kho cấp đông để kịp thời bảo quản hải sản sau khai thác.

Chị Hồ Thị Hoàn - chủ cơ sở cấp đông Hoa Hoàn, xã Quỳnh Nghĩa cho biết, mỗi năm cơ sở cấp đông gần 1.000 tấn hải sản, trong đó mực khô từ 5 - 10 tấn. Mực thu mua tới đâu là xuất bán tới đó. Dịp lễ, tết mực khô dễ tiêu thụ và bán được giá cao hơn.
700 stamp 1 (4)
Vào mùa, những tàu công suất lớn sau mỗi chuyến biển đều thu được từ 50 - 100 kg mực khô. Ảnh: Việt Hùng

Năm 2016, huyện Quỳnh Lưu đã thành lập Hội sản xuất và kinh doanh mực khô - đây cũng là cơ sở tiền đề để nâng cao thương hiệu mực khô trong thời gian tới. Chỉ tiêu sản lượng mực khô hàng năm toàn huyện phấn đấu đạt 400 - 500 tấn, trong đó có 20% sản phẩm được bao tiêu và đóng gói mang nhãn hiệu mực khô Quỳnh Lưu.

Hiện nay, trong các hoạt động quảng bá du lịch Quỳnh Lưu, mực khô là sản phẩm được lựa chọn để giới thiệu đến du khách.

Tác giả: Lê Nhung
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP