Đó là quan điểm của ông Tô Xuân Giao - Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam, Giám đốc công ty TNHH Toàn Á tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam, nhằm đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Đề án Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 diễn ra mới đây.
Theo ông Tô Xuân Giao, trong khía cạnh gắn kết giữa trường nghề và doanh nghiệp cần định hướng được nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo được một người lao động thuần thục các kỹ năng của một nghề, biết sử dụng các loại dụng cụ, máy móc liên quan đến nghề. Bởi lẽ, khi tuyển dụng nhân lực từ các trường nghề, doanh nghiệp thường mong muốn người lao động phải có các tiêu chí để nhanh chóng đưa vào sử dụng.
Trường nghề có thể coi như một xí nghiệp có trình độ chuyên môn cao. |
Thực tế đó đòi hỏi các trường nghề phải được trang bị phù hợp cũng như có đội ngũ giảng viên phải được thực hành trực tiếp tại nhiều cơ sở sản xuất.
"Trường nghề có thể coi như một xí nghiệp có trình độ chuyên môn cao với đội ngũ giảng viên là những người có kỹ năng nghề cao cùng trang thiết bị hiện đại tương đương doanh nghiệp hoặc có thể hơn. Lúc đó, trường nghề ngoài nhiệm vụ đào tạo vẫn có khả năng có thể nhận một số sản phẩm phù hợp với để tham gia sản xuất", ông Tô Xuân Giao nêu quan điểm.
Nếu đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như một xí nghiệp có trình độ chuyên môn cao, sẽ có nhiều lợi ích. Đó là sử dụng hết công suất máy móc thiết bị, giảng viên luôn được nâng cao tay nghề, sinh viên được thực hành thực tập trên sản phẩm thật có sự giám sát, hướng dẫn của giảng viên hoặc tham gia lao động kỹ thuật cùng các công nhân trong doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Đại diện này cho rằng, cần nghiên cứu chọn các trường đủ tiêu chuẩn chất lượng cao hoặc tương đương để thành lập Trung tâm vùng, trung tâm phát triển và ứng dụng sản xuất.
"Các trung tâm vùng phải là nơi đủ điều kiện trưng dụng các cuộc thi kỹ năng nghề cho học sinh sinh viên, giáo viên, người lao động. Là địa điểm có đủ điều kiện để tổ chức cho giáo viên và học sinh gia công sản xuất các sản phẩm theo đặt hàng", ông Giao chia sẻ.
Chuyển hướng đào tạo, từ "cung" sang "cầu"
PGS.TS Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên đào tạo theo kiểu hướng cầu (đáp ứng nhu cầu thị trường) chứ không nên đào tạo theo kiểu có gì dạy đó.
Trường nghề cần chuyển hướng đào tạo, từ "cung" sang "cầu" (Ảnh minh họa). |
PGS.TS Dương Đức Lân nhấn mạnh, Đề án Chiến lược của giai đoạn này cần tiếp tục quan tâm thực hiện vấn đề đào tạo theo kiểu hướng cầu, thị trường, doanh nghiệp, nhà sử dụng lao động cần gì thì các trường đào tạo nội dung đó.
"Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phải là sản phẩm đầu ra. Đó là số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động", PGS.TS Dương Đức Lân góp ý.
Đồng quan điểm, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn như chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh. Nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất sẽ được thay thế và những ngành nghề mới, phương thức mới, việc làm mới sẽ ra đời.
Điều này, tạo ra thách thức rất lớn trong vấn đề dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, thiếu hụt nhân lực trình độ cao. Đồng thời, đặt ra bài toán cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
"Đó là phải đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp", ông Khánh nói.
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí