Trước khi đến Myanmar, tôi vẫn nghĩ Yangon là thủ đô của nước này. Chỉ khi đặt chân đến Myanmar tôi mới biết, từ năm 2005 Naypyidaw (cách Yangon 360km) đã trở thành thủ đô mới của Miến Điện. Một điều rất lạ là hầu hết những thành phố, vùng đất lớn đều từng một thời là kinh đô, là thủ đô của người Miến như Bagan, Mandalay hay Yangon.
Yangon là hai mảng đối lập giữa những công trình hoành tráng giao thoa nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa với những khu ổ chuột lụp xụp, di tích của một thời kì cấm vận. Ở Yangon, xe gắn máy và xe hai bánh có động cơ bị cấm lưu thông trong khu vực thành phố nên phương tiện chủ yếu là xe bus và xe hơi (trừ một số ít xe đạp và rick-shaw, một dạng xe xích lô). Bên này thuê xe đạp điện xe máy khá đắt , trung bình khoảng 8.000 Kyat/xe đạp điện mà chất lượng xe kém nên “hên xui” lắm, đi mà hết điện thì chỉ có nước dắt bộ. Tôi thuê một chiếc xe máy với giá 20.000 Kyats mà lo lắng vô cùng vì tôi chưa bao giờ đi cái xe máy nào mà máy nó kêu to và đi rung như thế.
Việc đổi tiền ở Myanmar có chút bất tiện là ngân hàng không đổi những tờ USD hơi nhàu cũ hoặc có nếp gấp vì sợ tiền giả. Tiền ở bên này vẫn sử dụng nhiều các đồng tiền mệnh giá nhỏ chứ Ngân hàng cũng không có đủ tiền mệnh giá lớn để đổi. Hôm đầu đến Yangoon tôi đổi 200USD được khoảng 246.000 Kyats, số “hên” thế nào mà được ngân hàng chuyển hẳn lại 490 tờ 1000K. Cầm một xếp tiền dày cộp không nhét nổi vào ví mà tôi thấy choáng váng. Nhưng vẫn may là còn đổi được, chứ nhiều người xếp hàng sau tôi vừa đến lượt thì ngân hàng...hết tiền. Ở Myanmar, hiếm có smartphone, wifi là thứ xa xỉ nên 3G cũng khó tìm.
Mệnh giá tiền của Myanmar
Người dân Myanmar vẫn giữ được những nét truyền thống văn hóa của mình như ăn trầu, dùng phấn Thanaka cho phái nữ. Đàn ông, và phụ nữ ở Miến vẫn đa phần dùng váy cổ truyền dân tộc Váy của cánh đàn ông được gọi là ‘longyi’ còn của phụ nữ là ‘htamein’ (đều có nguồn gốc từ “sarong”). Longyi là đoạn vải ống được dệt hình tròn kín, người mặc chỉ cần xỏ vào rồi túm lấy hai đầu xoắn lại, sau đó cột hai đầu lại với nhau là xong. Nếu túm chân váy kéo lên, xoắn lại nhét vào đai váy ở lưng thì sẽ thành cái quần ngắn để tiện di chuyển, hoạt động.
Sau khi ở Yangon 2 ngày, tôi di chuyển đến Bagan. Bagan bình yên, cổ kính và hoài niệm nằm bên dòng sôngAyeyarwady thơ mộng, nơi tập trung rất nhiều những ngôi chùa, đền và bảo tháp. Chỉ đáng buồn là trận động đất tháng 8.2016 đã khiến hơn hai trăm ngồi chùa ở Bagan sụp đổ. Tuy nhiên, Bagan vẫn chất chứa cả một thời lịch sử huy hoàng sau lớp bụi đỏ mịt mờ và những bức tường tróc loang lổ theo thời gian. Thời khắc đẹp nhất ở Bagan là hoàng hôn và bình minh. Tôi thức dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe hơn 10km để đến Shwesandaw ngắm bình minh. Từ Shwesandawcó thể ngắm cả vùng đất Bagan huyền thoại với hàng nghìn ngôi đền, tháp lớn nhỏ trong ánh bình minh, một cảnh tượng vô cùng ấn tượng. Tiếc là 3 ngày ở Bagan tôi không thấy bóng dáng một chiếc khinh khí cầu nào cả.
Hồ Inle là điểm đến tiếp theo của tôi trong hành trình ở Myanmar. Xuất phát từ Bagan lúc 7 giờ tối, ngồi 10 tiếng trên xe bus địa phương ê ẩm hết cả người vì đường xấu, 3 giờ sáng tôi mới đến Inle. Nói là hồ Inle, nhưng đến rồi thì thấy nó mênh mông như cái vịnh, dân cư sống trên các nhà nổi trên mặt nước, nghề chính là làm du lịch tại các làng nghề thủ công truyền thống như làm bạc, dệt tơ sen, làng cổ dài, đóng thuyền, làm giấy. Tôi từng rất ấn tượng với bức hình ảnh ngư dân đánh cá trên sông với một chân đứng đạp mái chèo một tay quăng nom trên các trang tạp chí du lịch.
Tôi thuê riêng một thuyền để tham quan cho phù hợp với kế hoạch của tôi. Thông thường những người đi qua đây thường là thuyền vừa chạy vừa lướt qua các điểm, tuy nhiên, do tôi đi một mình, anh lái thuyền lại thấy tôi có vẻ thích chụp ảnh nên dừng hẳn lại cho tôi chụp. Thế là tôi bấm máy lia lịa, ai ngờ chụp xong có 3 người ngư dân lao vào xin tiền của tôi và kiểu quyết tâm lấy bằng được tiền tip nên tôi không thoải mái lắm. Chuyến đi vì một chuyện như thế mà bớt hứng thú phần nào.
Tôi có một trải nghiệm nhớ đời lúc đi từ Inle đến Kalaw. Thường thì ở Myanmar chỉ tour guide, phụ xe ở tuyến xe du lịch là có thể nói tiếng Anh còn lại đa phần người dân Myanmar và các tuyến xe địa phương thì không nói được tiếng Anh. Hôm đó tôi đi xe đêm đến Kalaw, do ngủ quên nên đi quá khoảng 15km, phải dừng lại để bắt xe quay ngược lại, lúc ấy khoảng 1g đêm.
Vừa xuống xe khách thì một anh lái xe nói với tôi bằng tiếng Myanmar, chắc là hỏi tôi muốn đi đâu nên tôi đưa địa chỉ ra. Vì lúc đó trời tối, khá hoang mang vì lạc đường nên khi anh lái xe bảo tôi lên xe, tôi cũng chẳng kịp suy nghĩ gì cứ leo lên xe ngồi. Trên đường đi, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng khi mình quá liều lĩnh khi đi với một người lạ giữa đêm tối.
Nhưng rồi mọi chuyện có vẻ ổn, khoảng 30 phút tôi đã được đưa tới thị trấn Kalaw. Chắc đoán tôi muốn trekking nên anh lái xe hỏi tôi xem bây giờ đi đâu, tất nhiên là bằng tiếng Myanmar.
Tôi đọc địa chỉ bằng tiếng anh "A1 trekking" tuy nhiên anh ta vẫn không hiểu nên anh lái xe dẫn tôi đến chỗ đèn sáng, gặp ai cũng nhờ giúp đỡ. Chúng tôi gặp một người tóc rối bời, quần áo luộm thuộm rách rưới đang quấn chiếc chăn rách to bản dày cộp xung quanh. Người này cũng chỉ nói tiếng Myanmar nhưng có vẻ biết chỗ tôi đang định đến. Mặc dù không hiểu tiếng nhưng tôi cũng biết rằng anh ta muốn dẫn tôi tới chỗ đó. Cả 3 người chúng tôi cùng đi vào con phố nhỏ tối đen, quẹo phải đi qua một chợ rồi cũng tới A1 trekking.
Lúc này tôi cũng không biết nói gì để cảm ơn sự nhiệt tình và tốt bụng của những người lạ đang đứng trước mặt tôi. Gặp khó khăn mà nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình mới thấy nó quý thế nào, nhất là từ những người lạ mà tôi không quen biết. Để tôi được thấy con người Myanmar thật đẹp như bầu trời Kalaw trong xanh buổi sáng hôm ấy.
Tác giả bài viết: Tạ Thúy