Phải đi gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sự nhiệt tình của người dân nơi đây, giúp cho con đường đến nhà ông Nguyễn Huy Chi (SN 1939), không còn khó tìm đối với chúng tôi.
Nghe tiếng người gọi, bà Nguyễn Thị Liên (SN 1960, vợ ông Chi), bước từ trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ đi ra, cất lời chào khách. Khi biết mục đích đến của chúng tôi, rót cốc nước chè xanh mới nấu, bà Liên phân bua: “Ông Chi ra canh tàu từ sáng rồi, cũng sắp về ăn trưa, chỉ còn tôi ở nhà thôi”.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước khoảng cách tuổi tác của 2 vợ chồng (ông Chi hơn bà Liên 21 tuổi - PV), bà Liên cười giải thích rằng, họ không phải là vợ/chồng đầu tiên của nhau.
“Chúng tôi như 2 chiếc cốc từng bị vỡ, nhưng không hiểu sao khi ghép lại, vô tình lại khít nhau. Tôi chưa từng sẽ nghĩ lấy ông ấy, bởi khi tôi 3 tuổi, ông ấy đã lấy vợ rồi”, bà Liên cười nói.
Theo dòng hồi ức, bà Liên kể lại: “Tôi gặp ông ấy khi không còn đường nào để đi. Lúc đó, đứa con của tôi cần có cha, mà các con của ông ấy cần có bàn tay chăm sóc của mẹ. Hai chúng tôi đều là những người chịu mất mát và tổn thương, có lẽ vì thế mà tôi và ông ấy cảm thấy bình yên khi ở bên nhau. Làm vợ ông Chi đến nay đã mấy chục năm rồi, tôi chưa bao giờ thấy khổ. Thậm chí, tôi còn phải mang ơn ông trời, đã cho tôi hạnh phúc, mặc dù muộn màng”.
Cuộc đời không ai toàn vẹn, khi 2 ông bà gặp nhau đều từng lỡ dở một lần tình duyên, họ quyết tâm gạt bỏ những dị nghị của dư luận, đến với nhau để nương tựa phần đời còn lại. Nhờ sự thấu hiểu và thông cảm cho nhau, trong ngôi nhà dột nát, ông bà đã chăm sóc 7 đứa con (trong đó có 4 con riêng và 3 con chung) nên người.
“Đến bây giờ, cùng nhau trải qua 35 năm làm vợ chồng, chúng tôi cảm thấy những sóng gió cuộc đời rất bình thường. Nhưng nghĩ lại, vào thời gian ấy, nếu không có sự cương quyết của ông Chi, chắc chúng tôi chẳng được như bây giờ”, bà Liên chia sẻ thêm.
“Thực ra, đã là vợ chồng thì đâu thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn. Nhưng chúng tôi đều là những người trải qua sự đau đớn của tình cảm, nên hiểu rằng cãi nhau chỉ khiến mọi việc không thể giải quyết được. Nếu có việc không hợp ý, cả 2 đều không nói với nhau một lời, lẳng lặng làm việc của mình, đến vài ngày sau, khi cơn giận qua đi, sẽ tự động giảng hòa”, bà Liên tiết lộ 'bí quyết' giữ hạnh phúc.
Nói về vợ chồng ông Chi, bà Nguyễn Thị Hải, người dân địa phương cho biết: “Ở vùng quê này, chuyện tình của ông Chi và bà Liên ai cũng biết. Hồi xưa mọi người bàn tán ghê lắm, nhưng họ đã dùng thời gian để chứng minh. Giờ đây, bà con xóm làng đều khâm phục tình cảm của ông bà”.
12 năm tình nguyện gác tàu
Theo chỉ dẫn của bà Liên, chúng tôi ra nhà gác cạnh đường ray tìm ông Chi, đúng lúc có tàu hỏa sắp đến. Cạnh đường tàu, hình ảnh một cụ ông đội chiếc mũ cối bộ đội, tóc điểm bạc, cầm 2 lá cờ ra hiệu để người dân không được đi qua nữa. Mọi người thấy "hiệu lệnh" này, lập tức dừng xe.
Dù sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhưng dáng đứng khi phất cờ báo hiệu tàu sắp đến của ông Chi vẫn rất cương nghị. 12 năm qua, công việc này đã trở thành một phần đời của cụ ông 78 tuổi ấy.
“Tai tôi còn thính lắm, mà đúng hơn là nghe quen tiếng tàu. Tàu cách xa nhưng tôi vẫn biết tàu sắp đến. Có lần, một thanh niên không tin, cứ cố tình băng qua, tôi chạy đến kéo lại, đúng lúc tàu ầm ầm chạy đến, người đó nắm tay tôi cảm ơn mãi”, ông Chi vừa đi vào nhà gác vừa kể lại, sau khi đã hoàn thành công việc.
Gọi là nhà, chứ thực ra chỉ là căn lán rộng 4m2 với 4 cột bê tông, mái lợp bằng vài tấm ngói xi măng. Trong nhà là tấm phản bằng gỗ và chiếc chiếu rách làm nơi ngồi nghỉ ngơi.
Lúc này, ông Chi mới từ từ kể về câu chuyện của mình. Theo lời kể, sau khi ông đi bộ đội về được một thời gian, tại địa phương xuất hiện liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Để giảm tai nạn, đoàn thanh niên của ngành đường sắt Việt Nam phối hợp với đoàn thanh niên xã Quỳnh Tân, tổ chức phối hợp cảnh giới đường ngang. Việc cảnh giới hàng ngày được cắt cử luân phiên, song công việc tình nguyện gặp nhiều khó khăn nên không thể duy trì.
Năm 2005, ngành đường sắt tiếp tục phối hợp với hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Tân, để duy trì hoạt động cảnh giới. Lúc này, ông Chi và một người nữa tình nguyện gánh vác công việc. Tuy có khoản tiền phụ cấp vài trăm nghìn đồng, nhưng do công việc mất thời gian cả ngày, rồi do sức khỏe yếu nên người bạn của ông Chi cũng đã xin nghỉ.
Từ đó, ông Chi một mình “vác tù và hàng tổng”, trên tuyến đường sắt dân sinh này. Tuy nhiên, ông chưa hề một lần phàn nàn. “May tôi có người vợ hiểu và thông cảm, bà ấy còn động viên tôi cố gắng làm cho khỏe, mọi việc ở nhà cứ giao cho bà. Cũng không hiểu sao từ lúc làm gác tàu đến nay, tôi chưa bao giờ bị ốm nặng cả”, ông Chi cười nói.
Ông Bùi Đăng Sáu, Trưởng ga Hoàng Mai cho biết: “Ở đây, việc làm của ông Nguyễn Huy Chi ai cũng biết. Ông Chi đã khẳng định dù tuổi già nhưng sức không yếu, dù thương binh nhưng chỉ cần có lòng quyết tâm, đều có thể đóng góp cho xã hội. Ông là một trong những điển hình người tốt, việc tốt, là một tấm gương vì sự nghiệp giao thông ở tỉnh Nghệ An”.
Tác giả bài viết: Anh Ngọc
Nguồn tin: