Rõ ràng luôn có mối liên quan tích cực giữa sức mạnh kinh tế của một đất nước với thể hiện của sinh viên, học sinh nước đó trong các bài kiểm tra quốc tế.
Tuy nhiên tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người dù rất nhỏ nhưng sinh viên, học sinh của quốc gia này lại luôn đạt kết quả rất cao, vượt xa so với mong đợi trong những kỳ thi học thuật quốc tế.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu 2 bài thi quốc tế để tìm ra câu trả lời cho “hiện tượng Việt Nam” kể trên. Một là TIMMS (Chương trình đánh giá năng lực toán học và khoa học quốc tế) – bài thi mà sinh viên Việt Nam đạt kết quả cao hơn rất nhiều so với các nước khác có cùng mức GDP:
Một bài báo vào năm 2014 được xuất bản bởi Abjijeet Singh nghiên cứu kết quả bài thi TIMMS và nhận ra rằng: Trẻ em Việt Nam thể hiện tốt hơn so với bạn bè cùng trang lứa ở những quốc gia đang phát triển khác dù mới 5 tuổi và khoảng cách này đang dần được nới rộng hơn sau mỗi năm.
Bài báo nhận thấy rằng: “Một năm học tiểu học tại Việt Nam đạt hiệu quả hơn về mặt tiếp thu các kỹ năng so với cấp độ tương tự tại Peru hay Ấn Độ”.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao một số quốc gia lại đạt hiệu quả học tập mỗi năm tốt hơn nhiều so với các nước khác? Hay đơn giản hơn, tại sao trường học tại nước này lại tốt hơn một vài nước khác?
Hiện tại, chuyên gia Suhas D. Parndekar và Elisabeth K. Sedmik đến từ Ngân hàng thế giới đang nỗ lực tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên.
Hai chuyên gia bắt đầu nghiên cứu bài kiểm tra PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) và sử dụng dữ liệu điểm số từ năm 2012. Trong số 8 quốc gia đang phát triển tham gia vào bài thi PISA, Việt Nam là quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp nhất, ở mức 4.098 USD/năm. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sinh viên Việt Nam lại đạt điểm số cao hơn các nước khác.
Điểm số mà học sinh Việt Nam đạt được cao trên mong đợi – “ngang cơ” với Phần Lan và Thụy Điển và “hơn đứt” Colombia và Peru.
Về toán học, điểm số của sinh viên Việt Nam so với điểm trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp cao hơn tới 128 điểm. Trong khi đó, 70 điểm tương đương với cấp độ “thành thạo” - khoảng 2 năm học toán ở cộng đồng các quốc gia thuộc OECD. Như vậy với mức 128 điểm, trình độ của sinh viên Việt Nam chênh 3 năm so với các nước đang phát triển khác.
Vậy lý do là gì?
Các chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đã sử dụng dữ liệu trong kỳ thi PISA – bao gồm các câu hỏi về nền tảng kiến thức của sinh viên, kinh nghiệm học tập và hệ thống trường học để xem điều gì khiến sinh viên Việt Nam lại có kết quả thi tốt đến vậy.
Kết quả họ nhận thấy rằng việc đầu tư vào giáo dục và “những khác biệt về văn hóa” là 2 yếu tố then chốt tạo nên điều này.
Nhìn chung, sinh viên Việt Nam thường tập trung và xem việc học tập ở trường nghiêm túc hơn. Họ ít khi tới trường muộn, vắng mặt không lý do và tham gia đầy đủ các lớp học.
So với học sinh ở các quốc gia khác, sinh viên Việt Nam cũng dành nhiều hơn 3 giờ mỗi tuần để học bên ngoài, ngoài giờ trên lớp. Họ cũng ít khi lo lắng về toán học và tự tin những gì mình đang học tập sẽ giúp ích cho tương lai.
Còn có nhiều điểm khác biệt nữa. Các bậc phụ huynh tại Việt Nam thường có liên quan mật thiết đến vấn đề học tập của con cái thông qua việc giúp đỡ và đầu tư tiền bạc. Hệ thống giáo dục ở quốc gia này cũng tập trung hơn. Các giáo viên tại đây có xu hướng giám sát chặt chẽ hơn và quan tâm hơn tới thành tích của sinh viên nhiều hơn.
Quan trọng nhất, Việt Nam dường như đầu tư vào giáo dục nhiều hơn các quốc gia đang phát triển khác dù mức GDP khá thấp. Những nhân tố như mức phát triển kinh tế thấp hơn 7 quốc gia khác, các bậc phụ huynh không được tiếp cận với nền giáo dục đầy đủ và ít trường học hơn tại các thành phố, vùng quê nhỏ dường như không ảnh hưởng tới việc họ xây dựng được một hệ thống giáo dục tốt.
Ngoài cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, các chuyên gia cho rằng bằng chứng cho thấy Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục đó là dù các trường học ở đây vẫn còn ít máy tính nhưng đều được kết nối Internet. Ngoài ra, trẻ em Việt Nam cũng có xu hướng tiếp cận với việc học sớm hơn so với trẻ em ở các quốc gia khác.
Dĩ nhiên, tất cả các yếu tố kể trên chưa thể giải thích được hết những thành tựu biến Việt Nam trở thành “hiện tượng” trong lĩnh vực giáo dục trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó là minh chứng cho thấy một quốc gia tương đối nghèo hoàn toàn có thể vượt lên trên một nước giàu có trong một lĩnh vực nào đó.
Tác giả bài viết: Vân Đàm