Năm 2022, Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nêu rõ yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp.
“Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương”, theo Nghị quyết 27.
Trong Kết luận 126 về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh để báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: “Trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã mà lớn, khủng khiếp như Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy”. |
Hiến pháp năm 2013 hiện đang phân định đơn vị hành chính thành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ngoài ra còn đơn vị hành chính đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.
Theo Điều 96 Hiến pháp, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn trình Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định đối với đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện rõ ở Điều 70 và Điều 74 Hiến pháp, sau khi Chính phủ trình.
Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian qua, các tỉnh, thành trên cả nước đã nhiều lần thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Giai đoạn 2023 - 2025 đã thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở 51 tỉnh, thành phố. Số lượng đơn vị cấp huyện trong cả nước từ 705 xuống còn 696 (giảm 9 đơn vị); số đơn vị cấp xã trong cả nước từ 10.598 xuống còn 10.035 (giảm 563 đơn vị). Đồng thời, giảm số lượng rất lớn về tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi chia sẻ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV từng cho biết: “Trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã mà lớn, khủng khiếp như ở Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy. Và chưa có đất nước nào chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam”.
“Tinh thần của Tổng Bí thư rất quyết tâm và phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống. Các cấp, các ngành cần tinh thần sẵn sàng, chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã”, theo bà Phạm Thị Thanh Trà.
Hàng chục tỉnh thành chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định
Nước ta hiện có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương là: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Thành phố Huế.
“Có ý kiến so sánh tại sao Trung Quốc rộng thế mà chỉ có hơn 30 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Một tỉnh của Trung Quốc có dân số còn đông hơn cả nước Việt Nam, trong khi chúng ta có hơn 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Có ý kiến tỉnh nọ, tỉnh kia mất truyền thống, có tỉnh tách ra thì phát triển, có tỉnh kêu hết dư địa và tính tới kết nối vùng... Để có sự phát triển, thì chúng ta tiếp tục nghiên cứu” – Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. |
Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính các cấp hiện đang thực hiện theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, sau đó được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết số 27 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện.
Cụ thể, tỉnh miền núi, vùng cao phải có quy mô dân số từ 900.000 người trở lên và diện tích 8.000 km2 trở lên. Các tỉnh còn lại có dân số từ 1.400.000 người trở lên và diện tích từ 5.000 km2 trở lên. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 1 thành phố hoặc 1 thị xã.
Tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương cao hơn, với dân số từ 1.000.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 9 đơn vị trở lên; tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 2 quận.
Tuy vậy, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê và cổng thông tin điện tử các tỉnh thì hiện nay có hàng chục tỉnh không đủ tiêu chuẩn như quy định. Trong đó, 10 tỉnh chưa đạt đồng thời cả 3 tiêu chuẩn dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện; 21 tỉnh không đạt đồng thời 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số; 17 tỉnh không đạt tiêu chuẩn tối thiểu về dân số; còn nếu xét riêng tiêu chuẩn diện tích tự nhiên thì có 28 tỉnh chưa đạt; ngoài ra, hơn 10 tỉnh chưa đủ tiêu chuẩn về số đơn vị hành chính cấp huyện…
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lưu ý, trong Kết luận 126, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang tính việc không chỉ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh mà còn định hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện). Do đó cần nghiên cứu thấu đáo, khoa học, phù hợp để tiến hành sắp xếp, hợp nhất.
“Bài học kinh nghiệm cũng có nhiều. Chúng ta cần có các nghiên cứu, căn cứ để sắp xếp khoa học, không chỉ có tiêu chí về dân số, diện tích mà còn cần lưu ý tới các yếu tố khác, đặc biệt là yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa…”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo VOV