Trong nước

Chủ tịch nước: Trịnh Xuân Thanh có trốn cũng không thoát

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, dù có lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng sớm muộn cũng bị truy tố trước pháp luật.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, 3, 4, TP.HCM sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã giải đáp hàng loạt thắc mắc của cử tri xung quanh việc phòng chống tham nhũng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, đặc biệt vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh với những sai phạm tại Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC).

Cử tri Trần Đăng Tranh (quận 1) đặt câu hỏi: Ông Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng, có thông tin con số thực tế hơn 5.700 tỉ đồng. Nhiều cơ quan cùng giám sát, điều tra vậy mà ông Thanh bỏ trốn lúc nào cũng không hay.

20161004133936 chu ti ch nu o c
Chủ tịch nước thân mật bắt tay cử tri TP.HCM

“Ông Thanh đã bỏ trốn, giờ sai phạm xử lý thế nào? Khoản tiền thua lỗ hàng nghìn tỉ như thế có thu hồi được không?”, ông Tranh nêu.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Đảng và Nhà nước luôn kiên trì, kiên quyết với các hành vi tham nhũng. Những việc làm quyết liệt của Tổng bí thư gần đây cho thấy Trung ương đang công khai tuyên bố kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên việc đưa các vụ án tham nhũng nghiêm trọng ra truy tố trước pháp luật là công việc hết sức khó khăn, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan.

Liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch nước cho biết, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan chức năng đã vào cuộc đồng bộ, tích cực, làm rõ trách nhiệm, khởi tố vụ án, bắt 4 người liên quan và đang truy nã trong nước, quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh.

“Chúng ta kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc này. Dù có lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng, truy tố trước pháp luật”, Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước dẫn chứng, trước đây từng có trường hợp lẩn trốn ở nước ngoài 5-7 năm nhưng cuối cùng vẫn bị bắt, vẫn bị đưa ra xét xử như vụ Dương Chí Dũng, sắp tới là Giang Kim Đạt.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tham nhũng chính là giặc nội xâm, do đó không có bất kỳ vùng cấm nào trong đấu tranh chống tham nhũng.

“Những vụ án tham nhũng phải được điều tra, xử lý đến nơi, đến chốn, không chịu áp lực từ bất cứ tổ chức, cá nhân nào”, Chủ tịch nước khẳng định.

Đề nghị làm rõ vụ “gạt tay trúng má”

Liên quan đến vụ việc “gạt tay trúng má” phóng viên xảy ra tại huyện Đông Anh, Hà Nội, cử tri Hoàng Thị Lợi, quận 1 cho rằng cách giải quyết chưa thoả đáng.

“Công an có cái chưa kiềm chế, nhà báo có cái chưa đúng nhưng cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền chưa ổn lắm”, bà Lợi nhận xét.

Bà đề nghị công tác đào tạo công an phải chuyên nghiệp hơn từ điều tra cho tới bảo vệ hiện trường và cách hành xử. Những hành vi chưa đẹp của một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến hình ảnh chung của lực lượng công an thì không nên.

“Ở các nước họ đều có quy định về bảo vệ hiện trường, tất cả đều theo luật, có thể mời những người không phận sự, kể cả nhà báo ra ngoài nhưng hành xử vung chân, vung tay, vuốt má như vừa qua thì phản cảm quá”, bà Lợi nêu.

Theo bà Lợi, trong vụ việc này cần điều tra kĩ xem công an sai ở đâu, phóng viên chưa đúng chỗ nào để xử lý theo đúng pháp luật, tránh vội vàng, thành kiến, tạo cơ hội cho các trang mạng nước ngoài quy chụp.

Ngoài ra, bà Lợi đề nghị cơ quan chức năng rà soát và xử lý các công ty, nhà mạng móc túi người tiêu dùng, như bản thân bà bị trừ tiền điện thoại vì xem bóng đá trong khi chưa từng đăng ký dịch vụ này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết những ý kiến phản ánh của cử tri sẽ được ông gửi đến các cơ quan liên quan.

Tác giả bài viết: Minh Anh - Việt Đông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP