Sáng 21/5, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, cựu Trưởng phòng Khảo thí) 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh này, Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, cựu Hiệu phó trường nội trú huyện Lạc Thủy) lĩnh 3 năm tù. Ngoài ra, Tuấn còn chịu 7 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt, bị cáo lĩnh 10 năm tù.
Với vai trò đồng phạm với bị cáo Vinh, Khương Ngọc Chất (45 tuổi, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh) lĩnh 6 năm tù; Diệp Thị Hồng Liên (46 tuổi, cựu Phó phòng Khảo thí) lĩnh 3 năm tù.
11 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 18 tháng tù treo đến 5 năm tù giam về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Đưa hối lộ.
Bị cáo Khương Ngọc Chất đến tòa sáng 21/5. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Quang Vinh không nhận tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong quá trình điều tra và tại tòa, chỉ thừa nhận thiếu trách nhiệm. Nhưng căn cứ sự đồng nhất trong lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Tuấn và Diệp Thị Hồng Liên, HĐXX có đủ căn cứ xác định ông Vinh đã cấu kết chặt chẽ với các bị cáo để thực hiện việc nâng điểm.
"Bị cáo Vinh có vai trò cầm đầu, chủ mưu trong vụ án đồng phạm có tổ chức", HĐXX đánh giá và cho rằng với vị trí công tác của Nguyễn Quang Vinh, đáng lẽ ông ta phải kiên quyết đấu tranh với mọi sai trái trong kỳ thi nhưng trái lại, bị cáo cố ý phạm tội nên ông Vinh đáng bị lên án hơn những người khác.
Quá trình điều tra và tại tòa, Nguyễn Quang Vinh tuy chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi cho cấp dưới nhưng bị cáo có nhân thân tốt, có thành tích trong công tác nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn đã thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Quang Vinh, lôi kéo Nguyễn Khắc Tuấn dùng thủ đoạn can thiệp bài thi để sửa, nâng điểm cho các thí sinh.
Trong vụ án, Đỗ Mạnh Tuấn thực hiện phạm tội đồng phạm có tổ chức với vai trò tích cực. Tuấn còn nhận hối lộ 300 triệu để nâng điểm cho 2 thí sinh. HĐXX nhận thấy hành vi phạm tội của Đỗ Mạnh Tuấn rất nghiêm trọng.
Đối với cựu công an Khương Ngọc Chất, tòa sơ thẩm đánh giá bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, chưa thành khẩn khai báo.
Ông Chất chỉ thừa nhận nhờ người xem điểm cho 5 thí sinh. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn và các bị cáo, HĐXX xác định từ trước khi kỳ thi diễn ra, Khương Ngọc Chất đã gặp và bàn bạc, trao đổi với Đỗ Mạnh để nhờ nâng điểm cho một số thí sinh là người thân của nhiều cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình.
Tại tòa, lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn phù hợp với lời khai của các bị cáo khác về việc họ đã thấy Chất gặp Mạnh Tuấn. Trong khi đó, Khương Ngọc Chất đã khai không đúng sự thật khách quan.
Trong vụ án, bị cáo Chất là đồng phạm có tổ chức, là người xúi giục Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp bài thi. Hành vi của Khương Ngọc Chất rất nghiêm trọng. Tuy quá trình điều tra ông Chất không thành khẩn khai báo nhưng khi còn công tác, bị cáo có nhiều thành tích, gia đình có công với cách mạng nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Nguyễn Quang Vinh ngoái nhìn người nhà trước khi rời tòa. Ảnh: Hoàng Lam. |
Qua vụ án này, HĐXX nhận thấy trong quá trình thực thi nhiệm vụ, vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng mối quan hệ quen biết để cấu kết, can thiệp nhằm nâng điểm thi cho 65 thí sinh.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, 45 thí sinh trúng tuyển các trường đại học đã bị buộc thôi học. Các thí sinh còn lại trúng tuyển nhưng không nhập học.
Tòa sơ thẩm đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy chế thi của Bộ GD&ĐT. Các bị cáo đều có chức vụ, quyền hạn nhất định. Đặc biệt, đa số bị cáo còn là thầy cô giáo mẫu mực trong ngành nhưng chỉ vì nể nang bạn bè, người thân và đồng nghiệp, các bị cáo đã vi phạm pháp luật.
"Hành vi của các bị cáo gây mất uy tín, lòng tin nhân dân và mất công bằng với các thí sinh, ảnh hưởng đến toàn ngành giáo dục", chủ tọa Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.