“Mua sao bán vậy!”
Sáng cùng ngày, PV theo chân đoàn liên ngành thuộc UBND phường Trung Mỹ Tây (quận 12) kiểm tra hoạt động kinh doanh thịt chó trên tuyến đường TMT-13, khu phố 2. Khu vực này còn được biết với cái tên rất ấn tượng: “Chợ chó”.
Tại điểm bán thịt chó của bà Trần Thị Vân, đoàn kiểm tra chỉ thấy hai con chó béo quậy, vàng ươm nằm chỏng vó trên sạp. Nghi ngờ thịt chó còn “ém” trong nhà, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, yêu cầu bà Vân mở cửa kiểm tra.
Cửa vừa mở, đoàn kiểm tra phát hiện bên trong có máy làm lông chó, dao chọc tiết chó… Đoàn kiểm tra còn phát hiện hai con chó đã mổ bụng, thui da nằm tênh hênh trên đất.
“Chó này có người ở Tây Ninh chở tới giao. Tôi mua 60.000 đồng/kg, bán lại 65.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi vừa bán lẻ vừa giao quán nhậu độ năm con. Chó mua sao bán vậy, tôi đâu biết chó chết, chó xà mâu hay chó bị đánh bả” - bà Vân nói.
Sạp thịt chó của bà Nguyễn Thương Hoài nằm kế bên. Thấy đoàn kiểm tra, bà Hoài nhanh tay bỏ nửa con chó vô bao đen định tẩu tán. Đoàn kiểm tra còn phát hiện huyết chó được bà Hoài đựng trong can và chai nhựa dơ bẩn. “Ai chở chó tới thì tôi mua, sau đó bán lại. Mỗi ngày tôi bán độ vài con. Bị kiểm tra hoài chắc mai tôi nghỉ bán” - bà Hoài phân trần.
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, có bảy điểm bán thịt chó trên tuyến đường TMT-13. Tuy nhiên, do biết có đoàn kiểm tra nên các điểm còn lại nghỉ bán. Quả thật, PV thấy có sạp treo bảng “đặc biệt thịt chó thui rơm” nhưng chẳng thấy con chó nào. Đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt và thu gom toàn bộ chó, huyết chó để tiêu hủy.
Phạt cho chừa
Mới đây, đoàn liên ngành của UBND phường Trung Mỹ Tây kiểm tra điểm bán thịt chó của ông Nguyễn Như Long tại tổ 23, khu phố 6. Căn cứ khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, UBND phường phạt ông Long 2,5 triệu đồng với hành vi mua bán thịt chó không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài phạt tiền, UBND phường Trung Mỹ Tây còn buộc ông Long ký cam kết không kinh doanh thịt chó.
Trước đó, đoàn liên ngành UBND phường Trung Mỹ Tây cũng đã kiểm tra căn nhà ở tổ 45, khu phố 4 do ông Lê Văn Phương làm chủ và đã thu giữ 72 con chó đã giết mổ, một máy đánh lông chó. Chưa hết, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều dụng cụ dùng bắt trộm chó trong nhà ông Phương như súng tự chế bằng gỗ, đầu nỏ thân gỗ dài, roi điện, bộ phận kích điện, kềm, kéo… Ông Phương khai hằng ngày có một số người ghé nhà lấy dụng cụ đi trộm chó rồi bán chó bắt được cho ông Phương.
Ngoài tiêu hủy toàn bộ số chó nói trên, UBND phường Trung Mỹ Tây còn phạt ông Phương 2,5 triệu đồng do mua bán thịt chó không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. “Sau vụ này, ông Phương đóng cửa ngưng hoạt động kinh doanh chó” - ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, cho biết.
Giao trách nhiệm cho chủ tịch phường
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết thịt chó, mèo không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng nên UBND quận quyết tâm chấn chỉnh.
“Chủ tịch UBND các phường chịu trách nhiệm nếu để tồn tại, không xử lý triệt để các điểm giết mổ, kinh doanh chó, mèo trên địa bàn. Đồng thời, các phường cần tuyên truyền, vận động nhân dân, nhà hàng, quán ăn không được giết mổ, kinh doanh chó, mèo” - ông Tú nói.
Món ăn này không chỉ gây đau đớn với một loài vật thông minh, gần gũi con người mà còn khiến người ăn gặp nhiều nguy cơ sức khỏe. Đặc biệt, có khả năng mắc bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn…Bà NGUYỄN THU THỦY,
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT)
Nguồn tin: Pháp luật TPHCM