Vì sao cần dạy con về tiền sớm?
Phần lớn trẻ em có khái niệm về tiền là do quan sát bố mẹ. Những thói quen, cử chỉ, lời nói của người lớn thường gián tiếp tác động lên thế giới bé nhỏ của các con. Vì vậy, cha mẹ có thể chủ động tham gia vào quá trình phát triển tư duy về tài chính của con từ nhỏ để định hình thói quen tốt cho trẻ khi quản lý tiền.
Ở những nước phát triển, việc cho trẻ tiếp cận với các kênh giáo dục tài chính đã trở thành một phương thức nuôi dạy phổ biến được áp dụng từ sớm. Người Do Thái lấy tiếng leng keng của đồng tiền để mừng trẻ ra đời. Ở Israel, trẻ cũng được dạy về tiền từ khi lên 3. Ở Singapore, giáo dục tài chính được dạy như một môn học chính khóa tại các trường học. Trẻ em Singapore vì vậy cũng được học về tài chính một cách rất bài bản.
Cha mẹ nên đồng hành cùng con trên hành trình giáo dục tài chính cho trẻ từ nhỏ. |
Trong những năm trở lại đây, không quá khó để tìm thấy các video ở Việt Nam chia sẻ cách dạy trẻ về tài chính trên mạng xã hội. Người chia sẻ có thể là các blogger hoặc một vài người tìm hiểu chủ đề tài chính cá nhân sớm. Nội dung thường xoay quanh những quy tắc, bí quyết nhanh gọn dành cho các ông bố, bà mẹ dạy con tiêu tiền, tiết kiệm.
Trên thực tế, để trẻ hiểu các khái niệm tài chính cơ bản và thực hành những kỹ năng quản lý tiền hàng ngày, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức cho chính mình. Một nghiên cứu của Prudential đã cho thấy, 95% phụ huynh châu Á cho rằng việc dạy con về tiền là quan trọng, nhưng quá nửa số người được hỏi không tự tin rằng mình có đủ kiến thức dạy con.
Dạy con về tiền bắt đầu từ đâu?
Giữa thời buổi thông tin tràn lan thiếu kiểm duyệt, bố mẹ luôn phải là người kiểm tra, chắt lọc những nguồn thông tin mà con tiếp thu. PGS. TS. Trần Thành Nam từng chia sẻ: "Nếu bố mẹ không chủ động dạy, con có thể vô tình học từ những nguồn thiếu tin cậy và theo một phương pháp sai lệch, từ đó gây ra những hậu quả tai hại."
PGS.TS Trần Thành Nam ấn tượng với kiến thức và kỹ năng lập kế hoạch của các em học sinh lớp 4-5 trong vòng thi Chung kết Cha-Ching Bé giỏi tiền hay. |
Dạy con về tiền là một chặng đường dài. Để khởi đầu, trẻ có thể học ở cả gia đình và nhà trường thông qua những tài liệu chính thống và phương pháp dạy bài bản. Một giáo trình đang được áp dụng tại nhiều trường tiểu học trong những năm qua là Cha-Ching. Đây là chương trình giáo dục đầu tiên về tài chính dành cho trẻ em được hợp tác phát triển giữa Quỹ Prudence, Cartoon Network Asia và Tiến sĩ Alice Wilder - chuyên gia giáo dục trẻ em từng đoạt giải Emmy. Được xây dựng trên phương pháp tích hợp “Học mà chơi - Chơi mà học”, chương trình trang bị cho các con những kiến thức, khái niệm về quản lý tài chính cá nhân cũng như cách ứng dụng phù hợp trong cuộc sống hằng ngày.
Các em học sinh tiểu học được dạy kiến thức cơ bản về quản lý tiền tại trường |
Tại Việt Nam, dự án giáo dục tài chính sớm Cha-Ching đã được Prudential Việt Nam và tổ chức Tuổi trẻ thành đạt (JA Việt Nam) triển khai hơn 3 năm nhằm giúp cha mẹ Việt dạy con quản lý tài chính thông minh và hiệu quả. Trong năm học 2020 - 2021, dự án giáo dục tài chính Cha-Ching đã được triển khai ở 84 trường học tại Hà Nội và Hưng Yên, giúp hơn 22,000 học sinh tiểu học và 600 giáo viên tiếp cận với giáo trình. Thông qua những đoạn phim hoạt hình ngắn thú vị, các em được học về 4 khái niệm tài chính cơ bản gồm kiếm tiền, tiết kiệm, tiêu tiền, quyên góp. Không chỉ giúp các em hiểu hơn giá trị đồng tiền và sức lao động, giáo trình còn cho các em cơ hội phát huy các kỹ năng cần thiết như lên kế hoạch, phân tích, làm việc nhóm, v.v.
Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, chia sẻ: “Giáo dục luôn là trọng tâm trong các hoạt động đầu tư phát triển cộng đồng bền vững của Prudential. Chúng tôi mang kiến thức tài chính đầu tư dài hạn vào thế hệ trẻ nhằm nuôi dưỡng một thế hệ tự tin, hiểu biết, góp phần tạo nên một tương lai thịnh vượng cho chính các em và cho xã hội.”
Tác giả: H.N
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn