Xã hội

Chó cắn nhưng không chích ngừa, 3 tháng sau người đàn ông tử vong nghi do bệnh dại

Người đàn ông 37 tuổi ở Phú Yên bị chó lạ cắn cách đây hơn 3 tháng, gần đây xuất hiện triệu chứng bệnh dại. Ông được đưa đi bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Ngày 10-1, ông Nguyễn Gia Phong - chủ tịch UBND phường Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) - xác nhận một người đàn ông ở phường này vừa tử vong nghi mắc bệnh dại.

Bị chó lạ cắn nhưng không tiêm vắc xin ngừa bệnh dại

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thị xã Đông Hòa, cách đây hơn 3 tháng ông N.T.K. (37 tuổi, ngụ phường Hòa Vinh) bị một con chó lạ cắn vào tay.

Do con chó có đeo sợi dây xích, ông K. nghĩ vết thương là do dây xích cào nên không đi tiêm phòng.

Đến ngày 4-1, ông K. xuất hiện triệu chứng khó thở, tức ngực, nôn ói. Đến ngày 8-1, ông K. đi tắm thì thấy sợ nước, không ăn được thức ăn có nước, sợ hãi không dám uống nước, thể trạng mệt mỏi.

Ông K. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để nhập viện lúc 0h ngày 9-1. Sáng cùng ngày, gia đình xin xuất viện và đưa ông K. vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa khám.

Tuy nhiên, đến 2h ngày 10-1 thì ông K. tử vong nghi do bệnh dại. Các trường hợp tiếp xúc gần với ông K. đã đi tiêm ngừa vắc xin dại và huyết thanh kháng dại.

Bị chó cắn, phải làm sao?

Ông Nguyễn Đông - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa - cho hay nam bệnh nhân trên được đưa vào viện đã quá muộn, bệnh nhân đã lên cơn dại nên không thể nào điều trị.

"Những trường hợp tử vong vì bệnh dại là do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vắc xin phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này vi rút bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được" - ông Đông cho biết.

Ông Huỳnh Lê Xuân Bích - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên - cho biết việc ông K. tử vong nghi do bệnh dại là trường hợp hết sức đáng tiếc. Các bác sĩ ở Phú Yên đã thăm khám và xác định ông K. nghi bị bệnh dại.

"Nếu không may bị chó cắn, người dân ngay lập tức phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sau đó đến cơ sở gần nhất để được khám và tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại hoặc/và huyết thanh kháng dại" - ông Bích khuyến cáo.

Tác giả: NGUYỄN HOÀNG - MINH CHIẾN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP