Bạn cần biết

Cha mẹ nào cũng cần xem video này để tự cứu con mình

Khi trẻ hóc dị vật, giai đoạn cấp cứu trong 4-5 phút đầu tiên đóng vai trò quyết định đến mạng sống của đứa trẻ.

XEM VIDEO CÁCH SƠ CỨU:

BS Phạm Ngọc Toàn, khoa Cấp cứu chống độc, BV Nhi TƯ cho biết, hầu như năm nào BV cũng tiếp nhận hàng chục ca hóc dị vật, thường là hạt hoa quả như nhãn, chôm chôm, hạt ngô, hạt lạc, đậu, cơm, cháo đến chìa khoá, đồ chơi...

Điều đáng tiếc, hầu hết trẻ được chuyển đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, não tổn thương không hồi phục do thiếu oxy, nhiều trẻ tử vong. Nguyên do khi trẻ hóc dị vật, không được sơ cấp cứu kịp thời khiến dị vật chèn vào đường thở, gây ngừng thở, ngừng tim.

“Xử trí cấp cứu đơn giản có thể cứu mạng bệnh nhi ngay từ đầu. Chỉ cần 3 phút không có oxy lên não đã gây tổn thương, 4 phút là tổn thương không hồi phục. Nên nếu cứ đợi khi chuyển đến tuyến cuối cấp cứu thì đã quá muộn, dù có được cứu sống trẻ cũng có nguy cơ cao mắc di chứng suốt đời”, BS Toàn khuyến cáo.

Cách cấp cứu hóc dị vật

BS Toàn lưu ý, trong trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, ho được, cần khuyến khích trẻ ho, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu bệnh nhân tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Trường hợp trẻ còn bé, đặt trẻ lên cánh tay, hoặc úp xuống đùi, cho đầu chúi xuống sau đó vỗ lưng 5 lần xem dị vật có ra không, nếu không được thì lật ngược bệnh nhân lại rồi ấn tại vị trí ép tim. Trẻ lớn hơn có thể đặt lên ghế và làm tương tự.

Ấn vào phần xương ức dưới để đẩy dị vật ra ngoài

Trường hợp không ho được hoặc ho không hiệu quả, kiểm tra xem trẻ còn thở không, nếu không cần ép tim cấp cứu, mở thông đường thở, hà hơi thổi ngạt 5 lần (nhân viên y tế biết sơ cấp cứu chỉ cần 2 lần).

Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức.

Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực, tỉ lệ 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Sau 1 phút đánh giá lại xem thở hay chưa và xem đã có mạch hay chưa. Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực.

Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực.

Tác giả: Thúy Hạnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP