Xã hội

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước vấn nạn bắt cóc?

Thời gian gần đây, tin tức về các vụ bắt cóc trẻ em táo tợn, với những thủ đoạn tinh vi lan truyền chóng mặt khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Làm sao để bảo vệ con là điều đau đáu thường trực trong tâm trí các bậc làm cha, làm mẹ. Theo các chuyên gia, dạy trẻ kỹ năng tự vệ là điều quan trọng nhất trong việc đối phó với vấn nạn nhức nhối này…

Kẻ bắt cóc thường lợi dụng sự chủ quan của cha mẹ

Đã gần 4 tháng kể từ ngày nhận lại đứa con gái 6 tuổi là bé Moong Thị Tân Mão bị bắt cóc bán sang Trung Quốc, nước mắt chị Cụt Thị Hoa (Tương Dương, Nghệ An) vẫn chưa ngừng chảy. Hàng đêm, chứng kiến con giật mình thon thót, sợ hãi khóc ré lên, chị lại xót xa, tự trách mình đã lơ là, thiếu cảnh giác, để kẻ xấu có cơ hội bắt cóc con gái. Dù rằng con chị được giải thoát kịp thời, được trở về đoàn tụ với gia đình song những tổn thương tâm lý vẫn đeo bám, ám ảnh cuộc sống của bé không chỉ trong hiện tại mà còn lâu dài. Chị Hoa bộc bạch rằng, trước đó dù có nghe thông tin về những vụ bắt cóc diễn ra ở nhiều địa phương nhưng phần vì chủ quan coi đó là “chuyện của người ta”, phần vì bận công việc, chị chẳng để tâm.

Ngay cả khi phong thanh có ả đàn bà thường xuyên lui tới trò chuyện, cho bánh kẹo bé Tân Mão khi vợ chồng chị đi vắng, chị Hoa cũng chẳng đề phòng. Chỉ tới lúc công an huyện Tương Dương phá án thành công, chị Hoa mới chột dạ vì kẻ chủ mưu chính là ả đàn bà bấy lâu lân la tiếp cận con gái chị, nắm bắt thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình để lợi dụng thời điểm “ra tay”…

BẮT CÓC 1
Cha mẹ cần dạy con nhiều kỹ năng sống để tránh việc con bị bát cóc (Ảnh minh họa)

Không được may mắn như vợ chồng chị Hoa, gia đình anh Lương Thế Huynh (Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) hơn 1 năm nay vẫn mòn mỏi ngóng trông tin tức cậu con trai bị mất tích. Thương con, anh bỏ mọi công việc, không quản nắng mưa, giá rét, rong ruổi khắp các tỉnh, thành cả nước bằng chiếc xe máy chở theo bảng hiệu có ảnh và nội dung tìm con. Đói đâu thì ăn, mệt đâu thì ngủ, khát thì vào ven đường xin nước, thậm chí có lần ốm nặng phải vào viện mua thuốc, nhưng chưa hết sốt anh lại vội vã lên đường. Hình ảnh người cha da dẻ đen sạm, người gầy rộc đi, râu ria chẳng buồn cạo, tất tưởi trên mọi nẻo đường với niềm hi vọng mong manh tìm lại giọt máu của mình đã lay động trái tim cộng đồng. Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ với anh bằng cách lập các trang tìm kiếm, kêu gọi mọi người để ý nếu thấy em bé nào có đặc điểm ngoại hình giống con trai anh Huynh thì thông tin lại, quyên góp tiền ủng hộ, nhưng thật đáng tiếc đến nay con anh vẫn bặt vô âm tín.

Mới đây, tâm sự cùng chúng tôi qua điện thoại, giọng anh Huynh như nghẹn lại khi cho biết sau nhiều ngày tháng tìm kiếm trong vô vọng, gia đình anh đã gánh khoản nợ lên tới 400 triệu đồng. Tột cùng đau khổ, vợ chồng anh đã lập bàn thờ con để tìm sự an ủi tâm can. Và rằng, từ ngày con bị bắt cóc, chưa một đêm anh chị ngon giấc. Tiếng kêu la của con trong cái buổi sáng định mệnh ấy lúc nào cũng ám ảnh khiến anh thêm dằn vặt, tự trách bản thân. Giá như anh đừng nghĩ đơn thuần đó chỉ là tiếng con trẻ nũng nịu, giá như anh bỏ dở công việc đang làm để vào với con ngay thì bi kịch đau lòng có thể đã không xảy đến…

BẮT CÓC 2
Bức ảnh cha tìm con bị bắt cóc từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài

Bảo vệ con bằng những việc làm thiết thực

Theo Trung tá, Tiến sỹ Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân: “Qua những vụ án bắt cóc trẻ em xảy ra, có thể thấy những đặc điểm phổ biến của loại tội phạm này là hành vi bắt cóc trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở nhiều lứa tuổi. Đối tượng bắt cóc trẻ em rất đa dạng, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm muộn… Đặc biệt, hầu hết các đối tượng gây án là những người đang có nhu cầu cấp thiết về tiền bạc, gặp bế tắc về kinh tế. Đó có thể là những người làm ăn đổ bể, nợ nần, vướng vào tín dụng đen, hoặc không có công ăn việc làm, lang thang, đua đòi, nghiện hút, cờ bạc, lười lao động; đối tượng tiền án, tiền sự, không chịu hoàn lương”.

Trước thực trạng nạn bắt cóc ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều bậc phụ huynh đối phó bằng cách hạn chế cho con ra ngoài đường. “Cẩn tắc vô áy náy”, một số gia đình còn “nhốt” con ở nhà, nếu có việc không thể đừng được thì chọn phương tiện di chuyển bằng taxi. Đây không phải là lựa chọn tối ưu bởi lẽ bó hẹp không gian sống, quá trình giao tiếp của con trẻ đồng nghĩa với cướp đi tuổi thơ và khả năng khám phá, phát triển trí tuệ ở các em.

Để phòng, chống nạn bắt cóc, các bậc cha mẹ nên đề cao cảnh giác, không nên đưa thông tin quá chi tiết về con và gia đình lên mạng xã hội, không nên cho con đi chơi ở những nơi vắng vẻ. Khi chở con ở lứa tuổi mẫu giáo đi ngoài đường bằng xe máy nên đeo đai an toàn cho bé, loại đai buộc bé vào người cha, mẹ. Nên gắn đủ hai gương cho xe máy, đi chậm và liên tục quan sát qua gương xem có đối tượng nào khả nghi không, nếu thấy nguy hiểm cần dừng xe lại ở chỗ đông người. Nên thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhà trường, thầy cô giáo trong quản lý các con ở trường, nắm chắc các mối quan hệ bạn bè của con, nhắc nhở con cảnh giác với những hiện tượng, tình huống bất lợi và đặc biệt chú trọng việc trau dồi những kỹ năng sống phù hợp lứa tuổi của con.

Đặc tính của con trẻ là ngây thơ, dễ tin người nên rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa gạt. Bởi vậy, khi con bước sang tuổi thứ 3, cha mẹ nên dạy con học thuộc thông tin liên lạc của gia đình như: tên, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà. Nên thường xuyên đặt ra những tình huống “thử thách” rồi lắng nghe cách giải quyết của bé, sau đó hướng dẫn con ứng phó hợp lý nhất. Ví như khi bị lạc bố mẹ ở siêu thị, công viên, khu vui chơi thì con phải làm gì? Khi người lạ chủ động bắt chuyện, giới thiệu là bạn của bố mẹ, rủ đi chơi, con có nên nhận lời không?...vv.

Cha mẹ nên dạy con về những “người lạ an toàn” có thể tin tưởng, nhờ cậy giúp đỡ khi cần, đó là cảnh sát giao thông, công an, bộ đội, bảo vệ, nhân viên bán hàng trong siêu thị. Đối với “người lạ không an toàn” thì khuyên bé nên tránh trò chuyện khi không có cha mẹ ở bên, đặc biệt phải cương quyết không đi theo và từ chối những món quà tặng đầy hấp dẫn. Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng các đối tượng bắt cóc thường dùng chiêu dụ dỗ, mua chuộc trẻ thông qua đồ chơi, bánh kẹo… đã được tẩm thuốc mê gây mất lý trí khi ngửi hoặc ăn phải, rất nguy hiểm nếu trẻ nhận chúng. Ngay cả những lời gạ gẫm nhờ giúp đỡ cũng khuyên trẻ phải cảnh giác. Cha mẹ nên phân tích cho trẻ hiểu rằng nếu thật sự cần giúp, họ sẽ tìm đến người lớn hơn chứ không phải là trẻ em.

Dạy trẻ hét thật to khi cảm thấy không an toàn để có thể nhận lại sự trợ giúp từ mọi người xung quanh. Nếu chẳng may bị lạc, hãy hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh, sau đó nhớ những lời căn dặn trước đó của cha mẹ, tìm tới những “người lạ an toàn” để sớm liên lạc được với người thân. Nếu bị khống chế, trẻ có thể vùng vẫy, cắn, cấu véo, đạp vào chân, tay, đầu gối, vùng nhạy cảm của kẻ xấu. Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho trẻ xem những video phóng sự, clip mô phỏng các tình huống thiếu an toàn mà trẻ gặp phải khi không đi cùng bố mẹ mình. Sau đó, cha mẹ có thể khơi gợi để con chọn phương án giải quyết, đồng thời giải đáp những thắc mắc của trẻ nhằm giúp con hình thành ý thức phòng vệ, phản kháng trong những tình huống tương tự có thể xảy đến.

Nếu con em bị bắt cóc, phụ huynh cần tránh tuyệt vọng, nôn nóng, hãy khẩn trương nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, mật báo với cơ quan công an qua số điện thoại đường dây nóng 113 nếu không sẽ gây nguy hiểm cho chính con em mình và khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt thủ phạm, giải cứu cháu bé. Một số trường hợp vì quá lo sợ sự đe dọa của đối tượng đã không khai báo hoặc báo chậm, thiếu hợp tác với cơ quan công an nên đã phải trả giá đắt.

Tác giả bài viết: Hà Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP