Núi Bạch Vân ở thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia 5A của Trung Quốc. Ngọn núi có cảnh quan tuyệt đẹp này nằm trong khu đô thị, giao thông rất thuận tiện, là nơi thích hợp để người dân địa phương đến thư giãn và hít thở không khí trong lành vào mỗi dịp cuối tuần.
8 năm trước, núi Bạch Vân từng trở thành điểm nóng dư luận vì xây dựng nhà hàng trên núi. Vạn Khánh Lương - cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu - từng là khách quen ở nhà hàng này.
Vạn Khánh Lương - cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu (Trung Quốc). Ảnh: people.com.cn |
Biến thắng cảnh thành nhà hàng tư
Trong bộ phim tài liệu chống tham nhũng "Luôn luôn trên đường" từng được phát sóng vào năm 2016 trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Vạn Khánh Lương đã thú nhận: "Nếu không để ý sẽ cho rằng việc ăn uống chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, trong một bầu không khí kinh tế hàng hóa, đầy những cám dỗ, chỉ cần thiếu kiên định sẽ khiến bản thân lạc lối".
Vạn Khánh Lương – cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu - đã bị điều tra vào tháng 6/2014 vì tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước Trung Quốc. Kết quả điều tra cho thấy, Vạn Khánh Lương đã lợi dụng chức vụ của mình để giúp đỡ người khác kiếm lời, từ đó nhận hối lộ số tiền rất lớn, lên tới hơn 111 triệu Nhân dân tệ (gần 379 tỷ VNĐ).
Theo hồ sơ vụ án, Vạn Khánh Lương từng đến những nơi ăn chơi xa xỉ khoảng 70 lần. Chỉ hai ngày trước khi "ngã ngựa", ông ta đã đến nhà hàng cao cấp trên núi Bạch Vân.
Cận cảnh chốn ăn chơi hưởng lạc của quan tham Trung Quốc có biệt danh "600 Đế"
Ở Quảng Châu, những nơi Vạn Khánh Lương thường lui tới không chỉ có nhà hàng trên núi Bạch Vân. Ở những nơi ăn chơi xa xỉ vốn chỉ đón tiếp số ít người, ông ta và những nhân vật có liên quan đã không ngừng ăn chơi hưởng lạc. Cách sống như vậy đã hoàn toàn lệch khỏi quy tắc ứng xử mà một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo cần phải có.
Hác Vũ Khôn - nhân viên Phòng Kiểm tra, Giám sát Kỷ luật thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc - cho biết: "Khi đó, Vạn Khánh Lương rất thích ăn nhậu và thường xuyên tụ tập ăn chơi".
Ông Hác cũng tiết lộ: "Một nữ nhân phục vụ phản ánh rằng, mỗi lần các quan chức đến đây đều mang tới cảm giác khó chịu, bởi cứ hôm nào họ phải tiếp đón các quan thì đều tan làm rất muộn. Mọi người thử nghĩ xem, ngay cả những nhân viên phục vụ còn than vãn, thì cũng đủ hiểu tính chất sa đọa của những cuộc vui đó như thế nào".
Đương nhiên, tiền ăn chơi của Vạn Khánh Lương đều do chủ doanh nghiệp chi trả. "Tham gia các cuộc vui đó, tôi không bao giờ phải trả tiền. Trong số những người tham gia có không ít doanh nhân và họ có thể giải quyết được việc này. Tôi đã từng nghĩ ai cũng sẽ làm như vậy, nên không hề quan tâm", Vạn Khánh Lương thú nhận.
Hác Vũ Khôn - nhân viên Phòng Kiểm tra, Giám sát Kỷ luật thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc - cho biết: "Ông ta đã giúp các chủ doanh nghiệp trong các dự án, như điều chỉnh quy mô, phê duyệt đất đai… Một số quan chức cũng được Vạn Khánh Lương gọi đến bên bàn tiệc và trực tiếp giao nhiệm vụ giúp đỡ các chủ doanh nghiệp. Những quan chức này cũng có quan hệ tốt với các chủ doanh nghiệp, hỗ trợ lẫn nhau hình thành nhóm lợi ích".
Phiên tòa xét xử Vạn Khánh Lương vào tháng 12/2015. Ảnh: bbs.tiexue.net |
Sau khi Vạn Khánh Lương "ngã ngựa", ngoài việc bản thân phạm tội tham ô nhận hối lộ số tiền rất lớn và bị giao cho cơ quan tư pháp xử lý, những người cùng tham gia cuộc vui với ông ta cũng bị điều tra xét xử.
Vào năm 2011, Vạn Khánh Lương - cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu - từng nói rằng: "Tôi làm việc đã hơn 20 năm vẫn chưa mua được nhà. Giờ tôi sống trong một khu chung cư của thành phố, ở khu Châu Giang Đế Cảnh với diện tích hơn 130m2 và tiền thuê hàng tháng là 600 NDT (hơn 2 triệu đồng)". Tuy nhiên, cư dân mạng phát hiện rằng khu Châu Giang Đế Cảnh là khu chung cư cao cấp, tiền thuê hàng tháng ít nhất cũng phải 4.000 NDT (13,6 triệu VNĐ) nên từ đó Vạn Khánh Lương đã được đặt biệt danh là "600 Đế". |
Tác giả: Hữu Hiển
Nguồn tin: Trí Thức Trẻ