Vào thời điểm kết thúc năm học, hình ảnh một cậu học sinh tay trống trơn, mặt buồn thiu giữa lúc các bạn cùng lớp giơ cao tấm giấy khen được chia sẻ trên mạng xã hội làm dấy lên nhiều tranh luận.
Là giáo viên, cũng là người mẹ, nhìn tấm hình ấy tôi nhói lòng. Nếu cậu bé là con tôi, không biết tôi sẽ xót xa tới mức nào. Thực hư tấm hình này ra sao? Có sự sắp xếp để chụp, hay tình huống thực tế tự nhiên? Dù thế nào thì hình cũng rất phản cảm, thiếu tính nhân văn, không thể chấp nhận.
Có lẽ cảm giác lạc lõng, buồn bã của cậu học sinh trong tấm hình sẽ theo em trong suốt cuộc đời, và thật nguy nếu nó tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân của em.
Hình ảnh một cậu học sinh mặt buồn thiu giữa lúc các bạn cùng lớp giơ cao tấm giấy khen làm dấy lên nhiều tranh luận. Ảnh từ Facebook |
Chắc hẳn có nhiều lý do để cậu học sinh không được giấy khen, nhưng có cần thiết phải làm tổn thương lòng tự trọng của một đứa trẻ như thế không?
Việc tặng giấy giấy khen cho học sinh để ghi nhận những thành tích đã đạt được trong năm học và động viên, khích lệ học sinh cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong tương lai là việc nên làm. Vấn đề là trao tặng giấy khen ra sao để tấm giấy khen làm đúng nhiệm vụ của nó.
Những học sinh được nhận giấy khen đương nhiên là rất vui vẻ phấn chấn. Bằng chứng có một nam sinh lần đầu được học sinh tiên tiến đã đem giấy khen đi chụp ảnh với “cả thế giới” để khoe thành tích. Nhưng đối với những em chưa được giấy khen, giáo viên cần ứng xử khéo léo. Bởi trong giáo dục, ngoài những nguyên tắc, cần lắm sự bao dung của người thầy, chỉ một hành động ứng xử sư phạm kém có thể huỷ hoại tương lai và gây dấu ấn tồi tệ suốt đời một con người.
Thời điểm kết thúc năm học trước, một hình ảnh tương tự đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Ảnh từ Facebook |
Ngoài chuyện phát giấy khen thì việc hạnh kiểm của học sinh cũng là đề tài thu hút nhiều bình luận trong các group giáo viên. Hiện nay, nhiều nơi chỉ dựa vào vài lỗi vi phạm của học sinh như đi học muộn, mặc đồng phục sai, không học bài làm bài đầy đủ... đã đánh giá hạnh kiểm các em không tốt.
Nếu chỉ căn cứ những lỗi vi phạm nhỏ trong khoảng thời gian ngắn mà đánh giá hạnh kiểm, theo tôi là không chính xác. Vì đối với một con người, để đánh giá đạo đức cần một khoảng thời gian rất dài. Hạnh kiểm bao gồm cả thái độ, hành động, cảm xúc, không thể từ một, hai lỗi hành vi đã kết luận thành vấn đề đạo đức mà không quan tâm đến động cơ dẫn phạm lỗi thế nào, thái độ và cảm xúc ra sao.
Cách đánh giá này khiến nhiều em "không phục" và nảy ra cách đối phó. Ở nhiều trường còn đưa ra quy định, nếu học sinh không đạt học lực khá, giỏi, thì hạnh kiểm đương nhiên cũng không phải loại tốt. Điều này theo tôi cũng không chính xác.
Vẻ mặt phấn khởi của nam sinh lần đầu đạt học sinh tiên tiến, cầm giấy khen đi khoe và chụp ảnh với nhiều người. Ảnh từ Facebook |
Việc học giỏi hay kém có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhiều em học chưa tốt nhưng lại rất ngoan ngoãn. Đánh giá hạnh kiểm dựa trên học lực không khuyến khích được sự cố gắng của học sinh. Mục đích của mọi việc đánh giá phải vì sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của các em.
Sự đánh giá phải đến từ nhiều nguồn, chứ không một chiều từ phía giáo viên mà còn của phụ huynh, bạn cùng lớp và bản thân học sinh. Rất cần giáo viên quan sát hành vi của học sinh trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Việc tặng giấy giấy khen là để khích lệ học sinh, chứ phải để làm tổn thương các em chưa đạt thành tích như mong muốn. Ảnh từ Facebook |
Từ phía các giáo viên chúng tôi, khi đánh giá hạnh kiểm, chúng tôi luôn cân nhắc, đánh giá cả quá trình, sự cố gắng tiến bộ của học sinh, chứ không phải đếm số lượng lỗi để quy kết. Tuy vậy, nhiều ban giám hiệu không có tiêu chí đánh giá rõ ràng cụ thể, khiến giáo viên bối rối, nhiều thầy cô sẽ đánh giá dựa trên cảm tính của giáo viên. Học sinh cũng khó mà tự đối chiếu quá trình rèn luyện của mình.
Tôi nghĩ, với những việc chưa có quy định rõ ràng và cụ thể, ngoài việc áp dụng quy định một cách linh hoạt, rất cầnsự bao dung của người thầy, để chọn phương án có lợi nhất cho học sinh. Hơn tất cả, giáo viên cần có lòng tin vào nhân cách tốt đẹp của học sinh.
Và xét cho cùng, mục đích cao nhất của giáo dục để các em hoàn thiện, trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình, xã hội sau này. Mọi sự khen thưởng, đánh giá cần có tính nhân văn để tránh lòng tổn thương những tâm hồn non nớt cần sự định hướng để phát triển đúng đắn.
Tác giả: Thanh Hà (Giáo viên THPT Quảng Trị)
Nguồn tin: phunuonline.com.vn