Trong tỉnh

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt: Vượt chướng ngại vật, tạo cú hích tiến độ

Sau những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có những chuyển biến mạnh mẽ.

Từ những chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, sự nỗ lực từ bản thân các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các nhà thầu thi công, chỉ trong thời gian ngắn, công trường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã có bước chuyển mạnh mẽ. Đây sẽ là "cú hích" mạnh để dự án bứt tốc.

Tại hầm Thần Vũ, đơn vị thi công đã đào chuyển được 85.000m3 đất, với năng suất đạt 4.200m3/ngày.

Những đổi thay rõ rệt từng ngày

Những cơn mưa nhỏ và cái lạnh tháng Tư không ngăn được hàng trăm kỹ sư công nhân đua tiến độ trên công trường thi công Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Tại vị trí thi công cầu Hưng Thắng 2, dù công tác chuẩn bị thi công mới hoàn tất được khoảng 3 tuần nhưng ở đây đã xuất hiện những hố móng trụ đầu tiên. Toàn công trường không lúc nào ngơi tiếng xe, máy.

Tranh thủ lúc máy cẩu đưa khung thép vào hố trụ khoan nhồi, kỹ sư Nguyễn Quang Huy, cán bộ ban điều hành thuộc Tập đoàn CIENCO 4, dành thời gian thông tin nhanh cho PV Báo Giao thông: Dự án này, Tập đoàn CIENCO 4 đảm nhận thi công 4km đường, 5 cầu và 1/4 hầm Thần Vũ. Tổng giá trị là 1.289 tỷ đồng.

Hiện tại, tất cả các công trường đều đã thi công đại trà. Chỉ tính riêng đoạn qua huyện Hưng Nguyên, đơn vị đã bố trí tới 7 mũi thi công khác nhau, với hàng chục thiết bị các loại và gần 100 công nhân. Sang tuần, khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ đẩy thêm 1 mũi đào xử lý nền đất yếu và 1 mũi làm giếng cát để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phần đường.

Khi PV hỏi: Hiện nay công trường có gì khác so với thời điểm lãnh đạo Bộ GTVT đi kiểm tra hồi tháng 3/2022?, kỹ sư Huy đáp: Nói đơn giản như này là mọi người hiểu. Từ tháng 1 đến tháng 3/2022, giá trị thi công chỉ có 20 tỷ đồng; còn trong 1 tháng qua, đơn vị đã làm thêm được sản lượng tương đương 30 tỷ đồng.

“Để có kết quả này, liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã phải họp nhau lại, thống nhất việc bố trí vốn, cùng xây dựng lại biểu đồ tiến độ; tăng mũi, tăng ca, kéo dài thời gian làm việc ở tất cả những vị trí có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Tập đoàn giành sự quan tâm đặc biệt đến công tác hậu cần, khen thưởng cho các ca kíp làm việc tốt, hiệu quả cao… nhằm tạo không khí thi đua lao động”, kỹ sư Huy nói.

Cần phải lưu ý rằng, Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được ký hợp đồng BOT từ giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, sau khi thành lập doanh nghiệp dự án, công trình vẫn “dẫm chân tại chỗ” vì chưa huy động được nguồn vốn tín dụng.

Với sự nỗ lực của Liên danh Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án trong công tác đàm phán với các Ngân hàng, cùng với sự ủng hộ của Bộ GTVT, đến ngày 12/2/2022, hợp đồng tín dụng được ký kết với số vốn vay lên đến 3.560 tỷ đồng.

Các đơn vị thi công đang quyết tâm khoan hầm Thần Vũ sớm hơn 15 ngày

Khó khăn về nguồn vốn tín dụng đã được giải quyết, tuy nhiên với điều kiện khắt khe từ phía ngân hàng đưa ra là trong thời gian đầu khối lượng thi công hoàn thành phải được thanh toán từ 50% vốn Chủ sở hữu (tương đương khoảng 511 tỷ đồng) thì mới đủ điều kiện giải ngân vốn tín dụng. Đây đồng thời đủ điều kiện để giải ngân vốn VGF (vốn Nhà nước tham gia). Trong điều kiện giá vật liệu tăng cao như thời gian gần đây cũng là rào cản rất lớn để các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch.

Không để chậm trễ hơn nữa, lãnh đạo Bộ GTVT, Ban QLDA6 đã liên tục có mặt ở công trường để kiểm tra, đôn đốc Doanh nghiệp dự án và các đơn vị thi công. Từ chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, các nhà thầu đã có sự điều chỉnh cách làm, tạo ra nhiều chuyển biến trên dự án.

Kể từ đó đến nay không khí trên công trường hoàn toàn thay đổi. Đơn cử như ở cầu Hưng Thắng 1, 32 công nhân cùng rất nhiều máy móc, thiết bị làm việc liên tục đến tận 23h đêm mới nghỉ. Công suất khoan cọc nhồi đáp ứng 1 ngày rưỡi 1 cọc.

Tương tự, Công ty Thái Yên thi công 3km đường và 3 cầu (Hưng Đức, Nghi Phương và Hưng Trung) với tổng giá trị lên đến 682 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trọng Minh - Phó Giám đốc Công ty Thái Yên cho biết: Hiện tại đơn vị đang huy động 4 mũi thi công rầm rộ, có những vị trí 1 ngày đào đắp được 2.000 khối đất, cát. Đến nay giá trị sản lượng đạt khoảng 40 tỷ đồng, đáp ứng tiến độ kế hoạch đề ra.

Hay như tại hầm Thần Vũ, đơn vị thi công đã đào chuyển được 85.000m3 đất, với năng suất đạt 4.200m3/ngày. Theo kế hoạch 30/6/2022 sẽ bắt đầu khoan hầm, nhưng các nhà thầu đang quyết tâm làm sớm hơn 15 ngày. Các hệ thống, thiết bị máy khoan đã sẵn sàng (4 máy khoan hầm, 4 máy phun vẩy, xúc lật, xe ô tô...). Công tác khoan sẽ được tiến hành đồng thời từ 2 phía Bắc và Nam…

Do không có đường công vụ nên Công ty Đại Hiệp phải điều máy đi nơi khác và cho công nhân sang làm trụ cầu vượt nút giao QL8A

Trước 30/4 hoàn thiện “đường máu” để bứt tốc

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay việc thi công vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là giá xăng dầu tăng “phi mã”, kéo theo giá cước vận chuyển, giá nguyên vật liệu (sắt thép, đất, cát) tăng theo. Chỉ tính riêng của tập đoàn CIENCO 4, giá nguyên vật liệu chênh lệch so với trước đây, ước khoảng từ 17 - 20 tỷ đồng. Trong khi hợp đồng BOT là hợp đồng trọn gói, không có bù giá.

Chưa hết, đến nay DNDA chỉ mới nhận bàn giao mặt bằng từ Ban QLDA6 và hội đồng GPMB địa phương với khối lượng 46,3/49,30km (đạt 93,92%). Toàn tuyến vẫn còn vướng khoảng hơn 1.000m đất rừng; khoảng 140 hộ đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng; 60 ngôi mộ và nhiều vị trí đường điện cao thế, trung thế và hạ thế… Đặc biệt đường công vụ vẫn chưa thông suốt, trong khi không mượn được đường tạm của dân.

Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công việc của các đơn vị thi công. Điển hình là trường hợp của Công ty Đại Hiệp - đơn vị thi công 100m tuyến chính, toàn bộ nút giao QL8A (bao gồm cầu vượt, trạm thu phí) và 1 phần cầu Hưng Đức.

Với nhận thức càng làm xong sớm, hoàn thiện nhanh thì doanh nghiệp càng có lãi, từ tháng 10/2021 - khi chưa có vốn tín dụng, Công ty Đại Hiệp đã bỏ tiền túi ra huy động máy móc, thiết bị, công nhân… tổ chức thi công đoạn nút giao QL8. Tuy nhiên, đến nay sản lượng thi công chỉ đạt 45 tỷ đồng, chậm khoảng 30% so với kế hoạch công ty đặt ra.

"Theo thiết kế đoạn từ đê La Giang ra bờ sông La sẽ mượn đường đất của dân để đưa thiết bị, vật liệu ra thi công cầu Hưng Đức. Nhưng khi bắt tay vào làm thì bị người dân ngăn cản vì sợ xe chạy, khói bụi sẽ làm hỏng các ruộng rươi cáy ven sông. Dù công ty đã nhiều lần nhờ xã, huyện can thiệp nhưng vẫn không được" - kỹ sư Hà Huy Nguyên, cán bộ điều hành dự án của Công ty Đại Hiệp cho biết.

Công trường thi công Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thay đổi rõ rệt so với cách đây 1 tháng.

Nhanh chóng, doanh nghiệp này đã cùng 3 đơn vị khác thi công trên đoạn này khắc phục bằng cách bỏ tiền túi ra 10 tỷ đồng (trong đó Đại Hiệp bỏ 3 tỷ đồng) để đắp đường công vụ và 200m cầu tạm để thi công. Thế nhưng, muốn nhanh thì cũng phải hết tháng 4, sang đầu tháng 5 mới hoàn thành được thủ tục.

Kỹ sư Nguyên cho biết: Trong khi chờ đường công vụ, đơn vị chấp nhận bỏ ra mấy trăm triệu để vận chuyển máy móc, thiết bị sang những phân đoạn khác trong dự án; một số mũi thi công chuyển sang làm thầu, một ít bộ phận thi công phần hạ bộ cầu…

Ông Trương Đức Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) thông tin: Kể từ sau cuộc kiểm tra, đốc thúc của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn và đoàn công tác Bộ GTVT đến nay, trên công trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Rõ ràng nhất là đến nay, các nhà thầu đã huy động được 54 mũi thi công, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu tháng 3/2022.

Theo ông Liên, trước những vướng mắc như giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; người dân không cho mượn đường; lực lượng chức năng kiểm soát chặt tải trọng… doanh nghiệp dự án đã chủ động cùng các nhà thầu thay đổi chiến lược thi công. Song song với việc thi công các hạng mục chính thì ưu tiên tập trung tối đa nhân lực, máy móc để hoàn thành đường công vụ nội tuyến và hoàn thành trước ngày 30/4 năm nay. Coi đây như là tuyến đường máu chiến lược của dự án. Để việc vận chuyển vật liệu phục vụ thi công được nhanh với khối lượng lớn, các nhà thầu thi công đã chủ động mở rộng đường công vụ rộng hơn yêu cầu thiết kế.

Ngoài ra, chúng tôi ưu tiên nguồn vật liệu tận dụng để điều phối trong công trường là mấu chốt. Điển hình như đoạn Eo Sứt đã tận dụng 60.000 m3 đất đá để đắp đủ toàn bộ đường công vụ khu vực Hưng Nguyên.

“Vừa qua, đơn vị thi công có xin mượn đường đất của dân để làm đường công vụ. Tuy nhiên, do đường đi qua đoạn ruộng mô hình của Trung ương về trồng lúa kết hợp với rươi cáy nên huyện không đồng ý. Đây là công trình quốc gia nên, nếu doanh nghiệp xin làm đường tạm khác thì UBND xã sẵn sàng phối hợp và giúp đỡ để đẩy nhanh tiến độ. Chỉ cần doanh nghiệp ký quỹ và thực hiện đầy đủ các hỗ trợ đối với người dân…”, ông Bùi Anh Sơn - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ cho biết.

Tác giả: Văn Thanh - Sỹ Hòa

Nguồn tin: baogiaothong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP