Trong tỉnh

Cảnh đời chật vật khu tập thể cũ phố Vinh

Xuống cấp, nhếch nhác, chật chội, ẩm thấp, dột nát... là tình trạng chung của nhiều khu tập thể có tuổi đời hơn 30 năm trên địa bàn thành phố Vinh.

Khu tập thể Nhà máy sợi Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Thành Cường

Gia đình chị Vũ Thị Thủy có 4 người, vợ chồng chị và hai người con. Năm 1991, vợ chồng chị Thủy được phân một căn hộ cấp 4 rộng 27m2 lợp ngói ở khu tập thể của nhà máy Dệt kim Hoàng Thị Loan (K10, phường Bến Thủy, TP Vinh).

Do nhu cầu ngày càng lớn, nên gia đình chị Thủy cùng 24 hộ khác ở đây đã chia nhau hành lang, mái hiên và tận dụng các khoảng trống khác để che chắn, cơi nới tăng diện tích sinh hoạt. Mới đây, do căn hộ tập thể đang ở quá chật chội, xuống cấp, nên chị phải thuê một phòng trọ khác cho người con trai đầu vừa lập gia đình ra ở riêng.

Lối đi nhếch nhác, nhỏ hẹp, nhà cửa chắp vá. Ảnh: Thành Cường

Cùng hoàn cảnh với chị Thủy, 246 hộ dân ở Khu tập thể Nhà máy sợi Vinh ( khối 7 và khối 9 phường Bến Thủy) đang chen chúc sống trong những căn hộ chật chội, dột nát.

"Hơn 30 năm sử dụng, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, không đồng bộ, vệ sinh môi trường thấp kém khiến đời sống sinh hoạt của người dân ở đây hết sức bất tiện" - ông Lê Văn Dương, khu tập thể Nhà máy sợi Vinh ở khối 7 phường Bến Thủy cho biết.

Cơi nới tùy tiện trên khung nhà yếu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Thành Cường

Theo thống kê, thành phố Vinh có 156 khu tập thể nằm trên địa bàn của 20 phường, xã với 4.036 hộ dân sinh sống. Phần lớn những người sống ở đây là cán bộ, công nhân viên đã nghỉ hưu, thu nhập thấp, không có điều kiện để mua đất làm nhà ở riêng, một số khác là người ngoài đã mua hoặc thuê lại các gian nhà ở tập thể đã hóa giá.

Khu vực cơi nới để chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường của một hộ trong khu tập thể Nhà máy sợi. Ảnh: Thành Cường

Hầu hết các khu tập thể này được xây dựng từ trước những năm 1990, chủ yếu là nhà cấp 4, mái ngói hoặc phi-bro xi măng. Mỗi công trình có quy mô từ 5 -7 gian với bước gian 3.0-3,3m, khẩu độ từ 5,0 - 7,0m, diện tích xây dựng từ 75-162m2, diện tích mỗi căn hộ từ 15-23m2. Quá trình sử dụng không được tu bổ, nâng cấp nên đã xuống cấp nghiêm trọng.

Bữa cơm của gia đình chị Vũ Thị Thủy trong căn hộ 27m2, khu tập thể Dệt kim Hoàng Thị Loan. Ảnh: Thành Cường

Các công trình phục vụ sinh hoạt như bếp, khu vệ sinh được che chắn tạm bợ, chật chội, không đảm bảo yêu cầu sử dụng tối thiểu, thiếu điều kiện vệ sinh môi trường cho người dân đang sống trong khu tập thể, người dân trong khu vực cũng như cảnh quan đô thị.

Ngoài ra, một số khu tập thể không hoàn toàn thuộc cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền phường xã, do đó công tác quản lý an ninh trật tự trên địa bàn có nhiều khó khăn, phức tạp.

Các khu tập thể cũ, xuống cấp gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Ảnh: Thành Cường

Thực hiện Đề án giải quyết nhà ở tập thể cũ trên địa bàn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo Quyết định số 109/2007/QĐ-UBND ngày 21/09/2007, đến nay UBND thành phố Vinh đã giải quyết được 110/156 khu tập thể (đạt tỷ lệ 71,15%) với 2.875/4.036 hộ (đạt tỷ lệ 71,23 %); đề xuất đưa ra khỏi Đề án 22 khu tập thể để giải quyết sau. Từ nay đến hết năm 2017, còn 24 khu tập thể cần phải được giải quyết./.

Tác giả: Thành Cường

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP