Giáo dục đại học nên đi theo xu hướng "tinh hoa" hay "đại chúng"?
"Giáo đục đại học nên đi theo xu hướng tinh hoa hay đại chúng, đại trà để phát triển được các nguồn lực" là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận trong xã hội.
Phát biểu tại "Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học lần thứ nhất" do Đại học VinUni tổ chức, TS Trần Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Giáo dục Quốc tế Việt Nam bày tỏ quan điểm cổ vũ giáo dục đại chúng. Theo ông, quan điểm này trùng khớp với quan tâm của Bộ Giáo dục - Đào tạo hiện nay là phát triển đơn vị học tập trên toàn hệ thống.
TS Thảo chia sẻ, thời gian qua, số lượng các trường đại học cũng như số lượng tuyển sinh vào các trường đều tăng lên khiến cánh cửa vào đại học được "mở toang".
Về mặt tích cực, chính việc "mở toang" cánh cửa đại học đã tạo cơ hội, tăng tính công bằng cho những người thuộc nhóm bị thua kém trong xã hội về kinh tế, một mặt nào đó đã "giải phóng" được họ. Bởi trước khi giáo dục đại học được "mở cửa", đại học vốn là nơi chỉ được dành cho một thiểu số được chăm sóc và được ươm mầm cho xã hội, chỉ một thành phần nhỏ trong xã hội nhận được ưu tiên này.
TS Trần Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Giáo dục Quốc tế Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Liên. |
Trong khi đó, cấu trúc của xã hội thời điểm này đã không còn như xưa. Các thành phần, tầng lớp trong xã hội bị xáo trộn rất nhiều vì một số lý do, trong đó có sự "lớn lên" của các nhóm thuộc tầng lớp cấp trung. Đại học càng mở cửa thì mục tiêu phục vụ càng thay đổi, và lại càng củng cố cấu trúc mới của xã hội.
"Đại học đã không còn là nơi chỉ dành cho tinh hoa nữa mà đã biến thành nơi phản ánh sự đa dạng của xã hội", TS Thảo nhận định.
Tuy nhiên, về mặt không tích cực, không ít người cho rằng, hệ đại học hiện đã trở thành một "trường phổ thông cấp 4", nối tiếp trường THPT. Theo những ý kiến này, đại học đang cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng, là hậu quả tất yếu của việc dạy và học cho số đông tăng vọt.
Nhiều người khẳng định, việc mở rộng cánh cửa đại học đã ảnh hưởng đến chất lượng hay nói cách khác là ảnh hưởng đến tinh hoa của đại học, làm cho trường đại học giảm đi phần "tinh khiết". Có người còn nói, đại học đã không còn là đại học nữa mà trở thành "học đại".
"Ở phía bảo vệ tinh hoa, có người cho rằng việc "mở cửa" đã biến đại học thành môi trường thứ cấp, cần chấn chỉnh, "siết cửa" đại học trở lại. Họ tin rằng, chỉ có làm như vậy mới mong quay lại tinh hoa và chất lượng", TS Thảo cho hay.
Ông phân tích, có một lý do khác trong việc bảo vệ tính tinh hoa là thế giới đã chuyển sang thời kỳ hội nhập, nơi sự cạnh tranh về chất lượng rất khắc nghiệt. Do vậy, giáo dục đại học cần đảm bảo tính cạnh tranh cho người tốt nghiệp khi tham gia vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, đã đến lúc cần thức tỉnh mọi người rằng tấm bằng đại học không còn là vật đảm bảo cho cuộc sống đầy đủ và sung túc. Các công ty hiện nay không chỉ tuyển người khi thấy có tấm bằng đại học, mà đây chỉ mới là điều kiện cần. Để có điều kiện đủ, người lao động phải đáp ứng được yêu cầu hay tiêu chí về năng lực trong công việc. Thế giới đã tiến xa trong cách làm này.
Nhà nước nên tập trung cho giáo dục đại chúng
"Nhìn nhận cả 2 mặt trên, vậy nên đi theo xu hướng đại học tinh hoa hay đại học đại chúng, đại trà?", TS Thảo gợi dẫn.
Ông nêu quan điểm, vấn đề này cần nhìn theo tối thiểu 2 góc độ: từ góc độ của Nhà nước - những người quyết định chủ trương, chính sách cho giáo dục đại học nước nhà và từ góc độ người đi học hay người sử dụng dịch vụ giáo dục đại học.
Theo TS Thảo, chuỗi chất lượng là một phổ có cận trên và cận dưới. Ở những hệ thống đại học có tính tự chủ cao, phổ này được ngầm mặc định: tầng dưới là đại học đại chúng và tầng trên là đại học tinh hoa. Các đại học thông qua "khách hàng" của mình - người đi học để tự định vị mình qua chất lượng, không phải qua các quyết định, nghị định hay qua ngân sách đầu tư.
Bởi vậy, TS Thảo cho rằng từ góc độ Nhà nước, các chủ trương, chính sách, đặc biệt là chính sách ưu tiên trong đầu tư cần đảm bảo đại học mở cửa cho bất kỳ người dân nào muốn vào cánh cửa đại học. Đại học phải đảm bảo tính công bằng, không thiên vị sắc tộc, giới tính, thành phần gia đình, thành phần xã hội hay quan điểm.
Quan trọng nhất, phải đảm bảo nguồn tài chính có sẵn để giúp người cần học đạt được mục tiêu này. Hay nói cách khác, một người có đủ điều kiện sức khỏe, một khi đã muốn vào đại học thì Nhà nước phải tạo mọi điều kiện hỗ trợ họ.
Từ góc độ người học, họ cần là người "khách hàng" thông minh, chọn đúng "món hàng" mình thích, đặc biệt là thích hợp với kinh tế và mục tiêu học tập của bản thân.
"Điều mà tôi muốn nhấn mạnh, ngân sách Nhà nước nên và phải tập trung cho giáo dục đại chúng, tức là giáo dục cho số đông. Chỉ có khi đầu tư chính đáng để số đông này được nâng cấp trình độ văn hóa và năng lực thì tác động thay đổi cuộc sống trên toàn hệ thống mới cơ bản, tận gốc rễ, và bền vững, TS Thảo nhấn mạnh.
Theo ông, xã hội có rất nhiều đầu việc mà những người tốt nghiệp những đại học đại chúng ở "tầng dưới" làm tốt hơn những người tốt nghiệp ở đại học "tầng trên". Do vậy, cần xem lại mục tiêu buộc tất cả sản phẩm của trường đại học phải thuộc về một chuẩn nhất định. Đã có thống kê cho thấy, đa số người lao động (không phân biệt công việc) một khi có trình độ đại học luôn cho hiệu quả lao động cao hơn.
"Riêng đối với những đại học theo đuổi mục tiêu tinh hoa, Nhà nước nên tạo điều kiện về chủ trương, chính sách thuận lợi, không rào cản và ưu tiên cho đầu tư ngoài Nhà nước", TS Thảo nêu ý kiến.
Trần Xuân Thảo khởi nghiệp là giáo viên dạy tiếng Anh tại trường ĐH Sư phạm Huế, năm 1977, lấy bằng thạc sĩ TESOL tại ĐH Canberra, Úc, năm 1990. Sau khi làm Trưởng khoa Tiếng Anh, ĐHSP Huế, ông quyết định chuyển hướng và theo học chương trình tiến sĩ về quản trị giáo dục tại Đại học Pennsylvania dưới sự bảo trợ của chương trình Fulbright, và nhận bằng Tiến sĩ Quản lý Giáo dục năm 1998. Từ khi trở về Việt Nam, ông đã trải qua các chức vụ và trọng trách: Giám đốc CT Fulbright Việt Nam tại ĐSQ Hoa Kỳ, Hà Nội, điều hành hoạt động trao đổi học giả và sinh viên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; Phó hiệu trưởng Học vụ Trường ĐH Tân Tạo Long An; Giám đốc TT Openminds International tại ĐH Tôn Đức Thắng; Phó hiệu trưởng Phụ trách Quan hệ Quốc tế ĐH Văn Lang, kiêm GĐ Hợp tác & Liên kết Quốc tế của TĐ Văn Lang; Phó Tổng Giám đốc TĐ Nguyễn Hoàng, phụ trách R&D, hiện là Viện trưởng Viện Giáo dục Quốc tế Việt Nam. |
Tác giả: Nguyễn Liên
Nguồn tin: Báo Dân trí