Ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ ban hành công văn số 5378/BNV-CCVC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2015 trở về trước.
Khác với nhiều địa phương, tại huyện Yên Thành (Nghệ An), việc thực hiện chủ trương này đang có nguy cơ... chệch hướng?
Từ ngày 27/6/2020, nhiều giáo viên ở huyện Yên Thành có đơn gửi đi nhiều nơi, kiến nghị về việc họ bị đẩy ra khỏi đối tượng được nêu trong công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ rất oan ức, phi lý.
Theo số liệu thống kê, huyện Yên Thành có 309 giáo viên được Chủ tịch UBND huyện này ký hợp đồng lao động và đóng BHXH từ năm 2015 về trước.
Hàng loạt văn bản liên quan đến việc xét tuyển đặc cách giáo viên của UBND huyện Yên Thành được ban hành vào buổi chiều ngày 25/6/2020 nhưng hạn nộp hồ sơ được “chốt” vào ngày 26/6/2020. |
Những trường hợp này chủ yếu là thời kỳ ông Phan Văn Tân và ông Nguyễn Tiến Lợi làm Chủ tịch UBND huyện. Thậm chí, trước khi nghỉ hưu, ông Lợi còn cố ký 54 hợp đồng lao động với giáo viên trái quy định, buộc phải hủy bỏ.
Tiền lương trả cho 309 trường hợp này phải cắt từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của các trường mà không phải ở nguồn thu khác, gây không ít thiệt thòi cho các đơn vị giáo dục trên địa bàn.
Theo ông Hoàng Danh Truyền- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: “Mặc dù huyện Yên Thành có 309 giáo viên thuộc đối tượng được xem xét theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ nhưng chỉ có 144 trường hợp được tuyển chọn vì theo chỉ tiêu biên chế”.
Nếu như vậy, sẽ có 165 giáo viên thuộc đối tượng được nêu trong công văn 5378 của Bộ Nội vụ đã bị bỏ lại? Điều đáng nói trong việc thực hiện chính sách trên của UBND huyện Yên Thành là: Cuối giờ làm việc chiều ngày 25/6/2020, các trường (Tiểu học, THCS) mới nhận được thông tin chính thức từ phòng Giáo dục và đào tạo huyện gửi qua thư điện tử tới các trường.
Thế nhưng, hạn cuối nộp hồ sơ xét tuyển được chốt vào ngày 26/6/2020. Quy định về số lượng, tiêu chuẩn của người được xét tuyển cũng bị giới hạn rất hẹp ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ như: Giáo viên văn hóa tiểu học: 96 người; giáo viên tiếng Anh:25 người; giáo viên tin học:11 người; giáo viên công tác đoàn đội:10 người.
Do điều kiện và hạn nộp hồ sơ quá họp nên chỉ có 61 trường hợp được dự “thi sát hạch”, còn 248 trường hợp đang bị bỏ rơi. |
Sau khi có thông báo trên, chỉ có 61 giáo viên được tiếp nhận hồ sơ (43 hồ sơ giáo viên văn hóa, 8 hồ sơ giáo viên tiếng Anh, 10 hồ sơ giào viên tin học), số còn lại không có một trong các chứng chỉ trên, đã bị từ chối.
Toàn bộ các trường hợp được nhận hồ sơ lần này đều là giáo viên cấp tiểu học, số giáo viên THCS không được xem xét, mặc dù họ đang giảng dạy bình thường nhiều năm nay ở các trường.
Cô giáo Nguyễn Thị N - giáo viên 1 trường tiểu học (xin dấu tên) cho biết: “Sau khi nhận được thông báo của huyện về đối tượng được nhận hồ sơ, chúng em đã lên huyện gặp Trưởng phòng Giáo dục để hỏi cho rõ nhưng ông ấy trả lời là ai không đáp ứng được các điều kiện đó thì phải chịu".
Cô giáo Phạm Thị H nói trong nước mắt: “Em được Chủ tịch huyện ký hợp đồng từ năm 2007 và dạy học từ đó cho đến nay.
Mặc dù công việc vất vả không kém gì những giáo viên biên chế nhưng chỉ được nhận 2,2 triệu đồng tiền lương mỗi tháng và không được tham gia vào bất cứ cuộc thi nào để thể hiện năng lực của mình. Bao năm chờ đợi, bây giờ bị gạt ra khỏi chủ trương xét tuyển, chúng em thấy bất công và uất ức quá”.
Cô giáo Phạm Thị M là con cựu chiến binh bị chất độc da cam, năm 2011 cô tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm loại giỏi.
Thời kỳ ông Phan Văn Tân và ông Nguyễn Tiến Lợi làm Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, đã ký 309 hợp đồng lao động với giáo viên. Tại thời điểm hiện tại, những giáo viên hợp đồng này mỗi tháng chỉ nhận được 2,2 triệu đồng tiền lương. |
Ngay sau khi ra trường, cô giáo M được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký quyết định tiếp nhận vào dạy hợp đồng tại trường Tiểu học xã Quang Thành.
Cô M đã từng dạy rất tốt ở các môn: Kỹ thuật, Thủ công, Mỹ thuật và đã được thử sức ở lĩnh vực Đoàn đội. 9 năm qua, cô M cũng chỉ nhận được khoản thu nhập rất ít ỏi cho các công việc của mình là 2,2 triệu đồng/tháng với hy vọng sẽ được vào biên chế.
Thế nhưng, vào ngày 26/6 vì cô Minh chưa có bằng đại học nên phòng Nội vụ huyện Yên Thành từ chối nhận hồ sơ.
Cô giáo Hồ Thị Hương G, sinh 1986, tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm môm Lịch sử loại giỏi, được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành tiếp nhận theo diện thu hút và về dạy Lịch sử tại Trường THCS xã Sơn Thành từ 2013 đến nay.
Thế nhưng, cô G cũng không được phòng Nội vụ huyện Yên Thành nhận hồ sơ vì... cấp THCS đang thừa biên chế.
Bất lực và thất vọng trước cách làm của huyện Yên Thành, ngày 03/7/2020 nhiều giáo viên đã lặn lội vào Sở Giáo dục và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An để xin được trình bày nguyện vọng và thân phận của mình. Giám đốc Sở Giáo dục đi vắng, không ai tiếp các cô.
Họ lại tìm sang Sở Nội vụ và được đón tiếp. Những lời động viên của giám đốc Sở Nội vụ như niềm an ủi mong manh trước số phận của họ nhưng vẫn mờ mịt, xa xôi...
Theo công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ nói trên, có thể hiểu rằng: Việc cho phép các địa phương tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước là nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế đang tồn tại ở nhiều địa phương.
Để có được chủ trương đặc cách này, bắt đầu từ công văn số 9028/CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng (Bộ Chính trị) và công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 5/6/2019 của Văn phòng Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ).
Ở huyện Yên Thành, thay vì xem xét ưu tiên xét tuyển những giáo viên theo thời gian công tác, thành tích đóng góp, Phòng Giáo dục và phòng Nội vụ của huyện này lại tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện đưa ra những quy định, quy chuẩn, chứng chỉ rất xa thực tế nhằm tạo ra những cơ hội cho một nhóm hẹp. Ai dám khẳng định đằng sau những quy định nêu trên của huyện Yên Thành không có tiêu cực?
Đến thời điểm này, huyện Yên Thành đang có 248 giáo viên thuộc diện xem xét, tuyển dụng đặc cách theo công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ chưa được tiếp nhận hồ sơ.
Tương lai của họ sẽ ra sao khi Chủ tịch UBND huyện Yên Thành “làm ngơ” trước những đóng góp của họ cho ngành giáo dục nhiều năm qua?
Có ít nhất 248 giáo viên ở huyện Yên Thành (chưa kể cha mẹ, chồng, con, người thân của họ) đang rất mong chở một quyết định kịp thời, thấu tình, đạt lý từ Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Tác giả: Trần Cường
Nguồn tin: phapluatplus.vn