Thế giới

"Cân đo" sức mạnh hạt nhân của máy bay ném bom Nga - Mỹ

Máy bay ném bom tầm xa có thể được coi như biểu tượng của một cường quốc quân sự. Hiện nay, Nga và Mỹ chắc chắn là 2 nước có lực lượng máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất trên thế giới, nhưng ai mới là người dẫn đầu?

Trong bộ 3 răn đe hạt nhân, các máy bay ném bom chiến lược là phương tiện chứa ít đầu đạn hạt nhân. Chỉ 5,5% số đầu đạn hạt nhân của Mỹ được triển khai lên máy bay ném bom và con số này của Nga là khoảng 3%.

Việc bắn rơi một chiếc máy bay ném bom có lẽ dễ hơn nhiều so với phá huỷ một căn cứ tên lửa đạn đạo liên lục địa nằm dưới lòng đất hay dò tìm ra các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân lặn dưới biển. Việc triển khai máy bay ném bom cũng lâu hơn nhiều so với thời gian phóng một tên lửa hạt nhân từ mặt đất.

Tuy nhiên, máy bay ném bom cũng có nhiều lợi thế như khả năng thay đổi hướng bay và nhiệm vụ chiến đấu một cách linh hoạt. Nó sẽ thích hợp hơn khi sử dụng trong các xung đột mang quy mô khu vực.

Đây chính là lí do Nga va Mỹ không hề loại bỏ máy bay ném bom chiến lược mà vẫn đang đầu tư vào việc phát triển một mẫu máy bay thế hệ mới. Có thể nói Nga và Mỹ không bao giờ để đối thủ lấn lướt trong lĩnh vực này.

Mỹ: Máy bay “cổ” được trọng dụng, máy bay hiện đại không dùng được tên lửa hạt nhân

Theo thông tin của chính phủ Mỹ, quân đội nước này đang có 12 chiếc máy bay ném bom B-2 (trên tổng số 21 chiếc) và 73 máy bay ném bom B-52H trong trạng thái trực chiến. Mỹ còn có chiếc oanh tạc cơ B-1B tuy nhiên nó đã bị tước đi khả năng hạt nhân từ lâu.

Máy bay ném bom B-52


B-52 đã phục vụ trong quân đội Mỹ từ những năm 1960 và là mẫu máy bay “già” nhất trong 3 loại kể trên. Tuy nhiên, hiện nay nó là chiếc duy nhất có khả năng mang tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân AGM-86B của quân đội Mỹ và điều này biến nó thành máy bay răn đe hạt nhân chính của không quân Mỹ.

Đối với chiếc B-2, đây là loại máy bay ném bom đắt đỏ và hiện đại nhất thể giới. Mỹ đã biên chế nó từ năm 1994 và chế tạo tổng cộng 21 chiếc với chi phí 2,1 tỉ USD/chiếc. Khả năng tàng hình là điều đáng tự hào nhất của B-2 với diện tích phản xạ radar được cho là còn nhỏ hơn các những chiến đấu cơ tàng hình hiện đại như F-22 và F-35.

Máy bay ném bom B-2

Tuy nhiên, cho đến nay, khả năng hạt nhân của B-2 chỉ dừng lại ở việc thả các loại bom hạt nhân như B-61 và B-83. Mỹ đã có kế hoạch trang bị cho B-2 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân AGM-129, tuy nhiên chưa biết bao giờ nó mới trở thành hiện thực.

Có lẽ nhờ khả năng tàng hình siêu việt của B-2 mà Mỹ từng nghĩ không cần trang bị cho B-2 tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi với các công nghệ radar mới hiện nay.

Trên thực tế, radar của hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã có thể phát hiện ra mục tiêu ở khoảng cách 600km. Ngay cả khi B-2 tiếp cận được mục tiêu ở khoảng cách 100 hoặc 200km, nó cũng khó có thể ném bom chuẩn xác do nhiều chiến đấu cơ tốc độ cao như Su-30SM, Su-35S và MiG-31BM chắc chắn sẽ tham gia vào hoạt động săn đuổi loại máy bay này. Do đó, nếu không có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thì B-2 sẽ chỉ thích hợp với các xung đột phi hạt nhân trong phạm vi khu vực.

Trong tương lai, Mỹ sẽ sở hữu một loại máy ném bom tầm xa mới. Loại máy bay này đang có tên tạm thời là B-21, được không quân Mỹ yêu cầu phải có khả năng tàng hình cao hơn cả B-2. Nó sẽ thay thế cho máy bay B-52 và B-1B nhưng không thể xuất hiện trước năm 2025. Ngoài ra, cũng chưa rõ nó có thể sử dụng được tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân hay chỉ thả được bom như B-2.

Nga có những tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân hiện đại nhất thế giới

Như Mỹ, lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Nga bao gồm 2 mẫu là Тu-95МS “Bear” và Тu-160 “White Swan”.

Тu-95МS thậm chí còn “già” hơn cả B-52 của Mỹ, tuy nhiên, những lứa máy bay đầu tiên của nó, biên chế từ những năm 1950, đều đã bị loại bỏ. Những chiếc Тu-95МS hiện nay mà Nga sử dụng được sản xuất trong giai đoạn từ năm 1981 – 1992.

Máy bay ném bom Tu-95 MS

Nga đang sở hữu phi đội 64 chiếc Тu-95МS tuy nhiên, một nửa trong số này lại nằm trong kho. Vũ khí chính của Тu-95МS là tên lửa hành trình Kh-55SM có tầm bắn 3.500km. Ngoài ra, Nga cũng đang hiện đại hoá Тu-95МS lên tiêu chuẩn Тu-95МSM mới, có khả năng sử dụng các loại tên lửa hành trình hiện đại nhất của Nga như Kh-101 và 102, mang được cả đầu đạn hạt nhân và phi hạt nhân.

Các tên lửa này có khả năng tàng hình trước radar, tầm bắn lên tới 5.500km cùng khả năng tấn công chính xác với sai số chỉ là 5m. Tu-95MSM có thể mang được 8 tên lửa hành trình Kh-55 hoặc Kh-101/102. Sau khi hiện đại hoá, các máy bay Tu-95MSM có khả năng phục vụ ít nhất tới năm 2030.

Mẫu máy bay hiện đại nhất của Nga là Tu-160 với khoảng 16 chiếc trong biên chế. Nó có thể đạt vận tốc tối đa Mach 1.6 và mang theo 12 tên lửa hành trình bên trong bụng máy bay. Các máy bay nó sử dụng cũng là Kh-55 hoặc Kh-101/102.

Máy bay ném bom Tu-160

Hiện tại Nga đã tuyên bố kế hoạch hiện đại hoá Tu-160 và thậm chí còn sản xuất thêm nhiều chiếc máy bay mới. Phiên bản Tu-160M2 mới sẽ có hệ thống điện tử hiện đại hơn và mang theo được nhiều loại vũ khí mới. Chưa có thông tin chuẩn xác về số lượng Tu-160M2 sẽ được sản xuất thêm nhưng có tin đồn là vào khoảng 50 chiếc.

Về mẫu máy bay tương lai của Nga có tên PAK-DA, đây là mẫu máy bay được Nga sản xuất để làm đối trọng với chiếc B-21 của Mỹ. Chưa có hình ảnh phác thảo của mẫu máy bay này nhưng nhiều khả năng nó cũng sẽ được nhấn mạnh vào khả năng tàng hình. Nga ban đầu có kế hoạch bay thử mẫu máy bay này vào năm 2025 nhưng điều này có lẽ phải lùi lại do những khó khăn tài chính của nền kinh tế nước này. Bộ Quốc phòng Nga không thể thực hiện đồng thời việc tái sản xuất Tu-160M2 trong khi lại phát triển PAK-DA nên có lẽ Moscow sẽ chọn phương án tiếp tục chế tạo Tu-160 trước.

Kết luận

Có thể thấy rõ ràng rằng, về mặt số lượng, phi đội máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đang có lợi thế hơn Nga. Tuy nhiên, các tên lửa hành trình của Nga lại có tầm bắn gấp đôi các tên lửa của Mỹ và không quân Nga sẽ được bổ sung thêm nhiều mẫu Tu-160M2 trong tương lai. Tu-160 cũng được cho là có thể tham gia được cả những xung đột hạt nhân quy mô lớn lẫn giao tranh khu vực nhỏ lẻ.

Một chiếc máy bay B-2 tàng hình nhưng không có khả năng tấn công bằng tên lửa hạt nhân tầm xa có lẽ không thể được coi là một mối đe doạ lớn trong chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, chắc hẳn Mỹ biết điều này và khả năng B-2 phóng được tên lửa hạt nhân là điều nhiều khả năng xảy ra trong thời gian tới.

Đối với các mẫu máy bay ném bom tầm xa, chương trình B-21 đã bắt đầu nhưng chưa biết nó sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào. Điều tương tự cũng hoàn toàn đúng với máy bay PAK DA của Nga. Số phận của 2 mẫu máy bay tương lai này vẫn còn quá khó để đoán định.

Tác giả bài viết: Minh Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP