Đây không phải là lần đầu tiên có quy định về tiếp công dân. Trước đó, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật tiếp công dân quy định người đứng đầu chính quyền phải bố trí thời gian để tiếp dân theo đúng hạn, tuy nhiên nhiều nơi, người đứng đầu địa phương, đơn vị không thực hiện đến nơi đến chốn, tránh né, thậm chí có nơi còn ủy quyền, khoán trắng cho cấp dưới theo kiểu làm cho có, lấy lệ.
Việc ban hành Quy định 11 có khắc phục được tình trạng trên? Làm thế nào để Quy định này thực sự đi vào cuộc sống? Là người làm công tác tiếp công dân lâu năm, ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã có những chia sẻ thẳng thắn với VOV.VN về vấn đề này.
Không còn uy tín thì không nên tiếp dân
PV: Ông có bình luận gì về việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân? So với Luật tiếp công dân, Quy định này có điểm gì đặc biệt?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Đây không phải là lần đầu tiên mà năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc tiếp dân. Tuy nhiên, mới đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định 11, quy định rất cụ thể về trách nhiệm tiếp dân.
|
Là người làm công tác tiếp dân, chúng tôi rất phấn khởi vì ngoài Luật tiếp dân đã có sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương, có sự chỉ đạo, điều hành rất sát sao, nhất là Bí thư một số tỉnh đã tham gia công tác tiếp dân rất đều đặn, kịp thời như Bí thư Quảng Ninh, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy TPHCM, Hải Dương, trước đây còn có Bí thư Quảng Ngãi... Các đồng chí đã trực tiếp tham gia vào các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người bức xúc.
Quy định 11 ra đời là bước tiến rất mới, quy định rất cụ thể là người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày/1 tháng; Bí thư cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 lần/tháng. Đặc biệt, lần đầu tiên trong công tác tiếp dân có chế tài xử lý. Nếu người đứng đầu cấp ủy địa phương để xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự thì phải chịu trách nhiệm.
Quy định lần này tuy ngắn nhưng rất cụ thể, dễ hiểu. Người đứng đầu không thể lấy lý do chung chung hay bất kỳ lý do nào khác để thoái thác nhiệm vụ hoặc trốn tránh trách nhiệm như trước đây, bên cạnh đó còn có sự kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương vào cuộc thì sẽ rất khả thi.
Một yếu tố nữa đó là chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc thì trách nhiệm của cán bộ càng cao hơn, là cơ sở để sàng lọc, đánh giá cán bộ. Thông qua nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo để hoạch định chính sách, đưa vào Nghị quyết từng địa phương, tiến tới Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, bức xúc kéo dài sẽ được cấp ủy tham gia một cách cụ thể hơn, có chỉ đạo rốt ráo hơn và không thể đổ trách nhiệm cho nhau được, càng không có việc chuyển đơn lòng vòng hay tiếp cho xong. Ngoài ra, người dân cũng sẽ tham gia giám sát công tác tiếp dân của cán bộ.
|
PV: Thực tế thời gian qua ít thấy lãnh đạo địa phương bị xử lý kỷ luật vì không thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân nên dẫn tới nhờn luật, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Thực ra nhiều cán bộ vi phạm trong việc tiếp công dân, kể cả về thái độ cũng đã bị xử lý kỷ luật hành chính, mang tính nhắc nhở cao. Rất nhiều vụ thanh tra trách nhiệm, cũng có xử lý nhưng không nhiều.
Ngay cả các cơ quan Nhà nước cũng thấy tình trạng một địa phương có rất nhiều đoàn khiếu kiện đông người vượt cấp lên Trung ương nhưng lãnh đạo vẫn được tín nhiệm, bổ nhiệm, vẫn được bằng khen, huân chương. Việc này cũng nên xem xét lại. Tất nhiên vẫn còn nhiều việc có tính lịch sử nhưng cán bộ không thể nói không giải quyết được. Nếu không làm được thì phải cùng với các cơ quan Trung ương, địa phương giải quyết dứt điểm.
PV: Có ý kiến cho rằng, đã có quy định mà lãnh đạo không thực hiện nghiêm túc thì không đủ tư cách để ngồi ghế nóng quyền lực nữa. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Đúng như vậy. Nếu cán bộ không đủ tư cách, uy tín, nói với dân mà dân không nghe thì không còn xứng đáng ngồi “ghế” đó nữa.
“Cán bộ xét thấy bản thân không được tín nhiệm nữa thì nên chuyển công tác để làm công việc khác tốt hơn” |
Xét thấy cán bộ không đến mức bị xử luật nhưng uy tín không còn thì cấp trên cũng nên xem xét để luân chuyển, hoặc không cho tham gia chức vụ trực tiếp đối thoại, tiếp dân nữa. Cán bộ tự thấy mình không đủ sức để tham gia tiếp công dân, và cũng thấy bản thân không được tín nhiệm thì cũng nên chuyển công tác để làm một công việc khác tốt hơn.
Cán bộ hách dịch, tiếp theo kiểu cai trị thì ai nghe
PV: Thực tế cho thấy, chúng ta có nhiều Luật, quy định đầy đủ nhưng việc thực hiện đôi khi vẫn mang tính hình thức, đối phó, thậm chí có nơi còn ủy quyền, khoán trắng cho cấp dưới theo kiểu làm cho có, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Có thể nói công tác kiểm tra, giám sát chưa đạt yêu cầu, không có chế tài xử lý và bản thân cán bộ chưa ý thức được trách nhiệm của mình. Cán bộ là người đầy tớ phục vụ dân, chứ không phải cai trị dân. Việc của dân cũng như việc của mình, tự giác thấy việc bức xúc của dân thì phải tham gia ngay hoặc có thể chỉ đạo cấp dưới, cùng với chính quyền trực tiếp gặp người dân.
Nếu người đứng đầu không trực tiếp đối thoại với dân, né tránh dân thì bản thân cán bộ đó dù có tài đến mấy thì người dân cũng không phục. Dân bỏ phiếu bầu cán bộ để phục vụ họ mà cán bộ không gặp gỡ thì làm sao giải quyết công việc cho dân được.
Cán bộ không tiếp dân theo quy định của Đảng mà còn không biết nội dung để xây dựng chính sách phù hợp với thực tế, cũng không biết làm thế nào để truyền tải những nội dung văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của địa phương với người dân thì làm sao có kết quả tốt, tạo sự đồng thuận được.
Là người làm công tác tiếp dân lâu năm, chúng tôi tin tưởng khi đã có quy định cụ thể này, ngoài chế tài “cứng”, còn có dư luận, người dân, cơ quan truyền thông giám sát - đây cũng chính là chế tài nặng nhất đối với cán bộ.
Rất nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nói: bản thân mình phải tự soi mình; chủ trương, chính sách đúng rồi nhưng người dân chưa đồng thuận thì phải biết chờ đợi dân. Đây là điều không phải cán bộ nào cũng nghĩ được, cũng làm được. Nếu là cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, nếu không làm được như vậy thì tốt hơn hết là đừng lãnh đạo nữa.
PV: Với người dân, có thể gặp người đứng đầu một lần để đối thoại thì những mâu thuẫn dù rất lớn cũng sẽ được giải quyết, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Làm công tác tiếp dân lâu năm, tôi thấy nhiều trường hợp lên đây ở cả năm và chỉ mong 1 lần được gặp đồng chí Chủ tịch nhưng vẫn không gặp được. Ví dụ, khi tôi được tham gia buổi tiếp dân của đồng chí Tổng Thanh tra tại một tỉnh phía Nam, người dân khiếu kiện 14 năm nhưng khi Tổng Thanh tra tiếp thì mới gặp được ông Phó Chủ tịch thì làm sao có thể giải quyết công việc của dân một cách rốt ráo được. Trong khi đó, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, việc của dân đã được giải quyết và họ cảm thấy được tôn trọng.
Khi những bức xúc ở địa phương không được giải quyết, đối thoại kịp thời thì người dân sẽ kéo lên Trung ương và khi đó uy tín của cán bộ, uy tín của cả hệ thống sẽ giảm xuống. Việc mất lòng tin không phải ở thế lực phản động mà bản thân người dân sẽ tự xa chính quyền. Cũng chính từ yếu tố này mà các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ người dân với chính quyền.
Người dân bỏ phiếu tín nhiệm bầu cán bộ vào Hội đồng nhân dân, UBND nhưng lại không tiếp họ hoặc hách dịch, tiếp theo kiểu cai trị thì ai nghe. Người dân không cần gì tiếng nói cao sang nhưng hãy gần gũi họ, nói tiếng nói của họ, giải quyết công việc của họ thì khi đó mới tạo được sự đồng thuận, người dân mới ủng hộ. Một khi đã tạo được lòng tin ở dân thì việc gì cũng thành công.
“Người dân bỏ phiếu tín nhiệm bầu cán bộ vào Hội đồng nhân dân, UBND nhưng lại không tiếp họ hoặc hách dịch, tiếp theo kiểu cai trị thì ai nghe” ông Nguyễn Hồng Điệp |
PV: Theo ông, cần làm gì để quy định 11 đi vào cuộc sống, không còn hiện tượng thoái thác, ủy quyền cho cấp dưới hoặc né tránh gặp dân?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Ngoài việc phải thực hiện nghiêm theo quy định còn có trách nhiệm chính trị của cấp ủy, người đứng đầu đó là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và cái tâm của cán bộ.
Tôi đã nói nhiều lần rằng, nếu người đứng đầu không tham gia hoặc tham gia không đúng thì các cơ quan thông tin đại chúng và người dân sẽ phản ánh, lấy kết quả đó để đánh giá cán bộ và đây cũng chính là sự giám sát, sức ép để thực hiện cho nghiêm.
Việc thực tâm của cán bộ vẫn là điều quan trọng nhất và người dân sẽ đánh giá chính xác nhất. Có thể người dân không hiểu rõ những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhưng họ lại là những người gần nhất với cấp ủy, với cán bộ lãnh đạo nên có thể đánh giá được cán bộ thực tâm với họ, thực sự vì quyền lợi của họ không, hay chỉ vì quy định mà tiếp cho xong chuyện, để tích điểm.
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp trao đổi với người dân. |
Để thuận tiện nhất, thì nên chăng các cơ quan tham mưu nên chọn những vụ việc cần thiết Bí thư cấp ủy, Chủ tịch trực tiếp tiếp dân, cùng sự có mặt của Mặt trận, các cơ quan của Đảng vào cuộc; không chỉ giải quyết bằng quy định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại mà còn bằng chỉ đạo, chỉ thị...
Qua đó tính công khai, minh bạch giữa chính quyền với cơ quan Đảng, giữa người dân với cơ quan giám sát tốt hơn và người dân cũng sẽ giám sát được cấp ủy, chính quyền địa phương.
Qua những buổi tiếp dân chúng ta vừa xây dựng chính quyền, vừa hoạch định chính sách, thậm chí phải sửa đổi chính sách để làm sao phù hợp với tình hình thực tế địa phương và được đa số người dân ủng hộ. Cũng có những chính sách đúng, chủ trương đúng nhưng người dân chưa hiểu thì qua tiếp công dân sẽ vận động người dân ủng hộ chính quyền, thậm chí dân còn tham gia vào việc xây dựng chính quyền, hoạch định chính sách, thực hiện các chế độ chính sách, tham gia quản lý kinh tế, phát triển kinh tế ở địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Kim Anh
Kỹ thuật: Tuấn Linh
Nguồn tin: Báo VOV