Đẹp

Cách bảo vệ đôi chân khi đi giày cao gót

Một đôi giày cao gót với chất liệu tốt, mềm mại chắc chắn sẽ đem lại cho bạn cảm giác an toàn và tự tin khi sải bước.

Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thanh Hà, nhân viên văn phòng, cho biết: "Từ khi đi làm, tôi mới bắt đầu đi giày cao gót. Nó giúp tôi tự tin diện những bộ cánh công sở. Nhưng có sự kiện tôi phải đứng nhiều, tối về bị đau ê ẩm từ phần lưng dưới trở xuống.

Chưa kể, các ngón chân sưng đỏ, mỏi nhừ. Sau một thời gian, hai ngón chân út của tôi bị chai cứng do chịu áp lực của trọng lượng cơ thể và bị cọ xát nhiều với giày cao gót". Vì yếu tố công việc và thói quen, chị Thanh Hà vẫn không thể từ bỏ đôi giày cao gót.

Bà Luisa Diller, Giám đốc Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu BMJ, cho biết, mang giày cao gót từ 7cm trở lên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khoẻ, có thể gây áp lực lên xương khớp ngón chân cao hơn 7 lần so với bình thường và ảnh hưởng nhiều tới phần thân dưới cơ thể khi đi bộ.

Đi giày cao gót sẽ khiến cơ thể dồn trọng lượng không đều, dẫn tới phần bắp chân bị căng cứng, tổn thương gân gót chân.

Bí quyết bảo vệ đôi chân khi đi giày cao gót

Chọn đúng size: Một đôi giày cao gót sẽ thật đẹp khi nó vừa vặn với đôi chân của bạn, đi vào thấy thoải mái. Điều này sẽ giúp giảm cọ xát xung quanh bàn chân, giảm nguy cơ tạo thành những vết chai ở chân.

Một đôi giày cao gót với chất liệu tốt, mềm mại chắc chắn sẽ đem lại cho bạn cảm giác an toàn và tự tin khi sải bước. Bạn nên chọn những đôi giày có thương hiệu vì các đường may, chỗ ráp nối giữa phần thân và đế giày được làm tỉ mỉ hơn, giày êm chân và bền chắc.

Chọn giày có quai hoặc hở mũi: Chọn những đôi giày hở mũi là một gợi ý khác để không bị đau chân, giảm áp lực lên bàn chân khi đi giày cao gót.

Ngoài ra, chọn những đôi giày có quai hỗ trợ không những đem lại cảm giác chắc chắn hơn mà còn giúp giảm tình trạng đau chân. Sự hỗ trợ từ quai hậu giúp chân bạn không mất quá nhiều sức để giữ đôi giày không bị tuột ra khi đi lại.

Dùng miếng lót giày bằng silicon: Với thuộc tính dẻo, mềm, lót giày silicon không chỉ mang đến cảm giác êm ái, giảm đau nhức mà còn làm cho dáng đi trên giày cao gót đẹp hơn. Miếng lót giày bằng silicon là "cứu cánh" cho những người mới tập đi giày cao. Ngoài miếng lót bằng silicon, trên thị trường còn có miếng lót bằng mút cũng khá mềm và êm.

Thư giãn bàn chân: Một trong những cách đi giày cao gót không đau chân chính là bạn cần dành thời gian thư giãn bàn chân. Những lúc nghỉ ngơi, không phải đi giày, bạn hãy tháo giày và thực hiện một vài động tác thư giãn cho đôi chân.

Co, duỗi các ngón chân hay xoay nhẹ cổ chân để các cơ bàn chân được giải phóng sau khi chúng bị gò bó trong không gian chật hẹp của đôi giày. Buổi tối, trước khi đi ngủ, bạn có thể ngâm chân trong chậu nước ấm một lúc để xua đi cảm giác đau nhức.

Mấy phút đầu có thể hơi nhói một chút, nhất là khi chân bạn bị phồng rộp nhưng hơi nước ấm sẽ giúp bạn xoa dịu các cơ sau một ngày đi giày cao gót.

Luyện tập đi bộ trên giày cao gót đúng cách: Tư thế đi, đứng cũng ảnh hưởng đến xương bàn chân. Nếu bạn dồn hết trọng lượng lên mũi chân, sau một thời gian, xương chân có thể bị biến dạng và gây đau nhức. Hãy để cơ bụng cùng tham gia khi bước đi, giữ vai cố định và đầu ngẩng cao.

Tiếp đất bằng gót chân trước khi bước rồi hạ mũi chân để đi bước tiếp theo. Bạn phải giữ lưng hơi cong và đưa ngực cùng xương chậu hướng về phía trước. Khi đó, trọng tâm cơ thể sẽ được phân bố đều.

Tác giả: Bảo Vy (Tổng hợp)

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP