Giáo dục

Bủn rủn khi con trốn học trực tuyến, xem phim... 18+

Người mẹ hoàn toàn vô tình, ngó máy tính trong giờ con trai học trực tuyến, chị rụng rời khi thấy trên màn hình là những hình ảnh đồi trụy.

Mới đây, trên một diễn đàn kín về dạy học, chị Ngọc Sương, có con trai lớp 8 đăng kèm một hình ảnh nhạy cảm với lời cảm thán: "Đây là hình ảnh trong đoạn clip con em xem, mà lẽ ra giờ đó con học online các mẹ ạ!".

Chị kể, trong đợt nghỉ dịch, trường chuyển qua học online, chị giao laptop của mình để con chủ động việc học. Nghĩ con đã học online trước đó nhiều lần nên chị cũng không theo sát kỹ lưỡng, hơn nữa cháu thường khóa cửa phòng khi học.

Người mẹ sốc khi giờ học online, con trốn xem clip sex (Ảnh minh họa)

Cách đây hai hôm, hoàn toàn vô tình khi cháu vào nhà vệ sinh, chị vào phòng đưa cho con ly nước cam. Chị bấm màn hình lên và không tin nổi khi trước mắt mình là cảnh phim, clip 18+.

Lướt lại đoạn con đang chat với một nhóm bạn, các cháu gửi cho nhau những clip sex, còn khoe lùng được clip cho là tại quán bar đang được nhắc nhiều trên mạng.

Sau giây phút rụng rời, không thể kiềm chế, khi con quay vô chị lao vào tát con, chửi bới rồi ngồi bệt xuống nhà khóc. Chị tra khảo thì cháu nói đã xem vài lần, mấy bạn gửi cho nhau. Thường học online xong các cháu xem nhưng cũng có lúc, các cháu thoát ra khỏi lớp, trốn học xem phim 18+ rồi... "chém gió" với nhau rôm rả.

Những ngày qua hai mẹ con vô cùng căng thẳng, không nói chuyện với nhau.

Chị cũng cảnh báo các phụ huynh cần chú ý đến con, nhất là trong thời điểm nghỉ dịch, các cháu sử dụng thiết bị công nghệ rất nhiều.

Chị T.Ng.H lại đang gặp tình cảnh làm chị lo sợ khi mới đây phát hiện con mình 14 tuổi chat sex, gửi hình ảnh nhạy cảm với một người lạ quen trên mạng.

Tán tỉnh, yêu đương thế nào mà hai bên nói chuyện rất bạo dạn, gửi ảnh khỏa thân, show hàng cho đối phương xem.

Trong khi người mẹ vẫn tưởng con mình dùng điện thoại để học online hoặc cùng lắm là trao đổi, nhắn tin với bạn bè.

Chưa biết ứng xử thế nào, sợ đẩy sự việc đi xa không cứu vãn được, chị H. đang xem như không hay không biết để tìm phương án tốt nhất.

Chưa gặp những tình huống "sốc" như trên nhưng con nghỉ học, rất nhiều phụ huynh kể họ mang nỗi lo lắng con nghiện công nghệ sa vào game hay những clip nhảm, thô tục và những thông tin tiêu cực tràn lan trên mạng.

Thách thức trên không gian mạng với trẻ em

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu người sử dụng internet, trong đó tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 30%. Đây là thách thức với xã hội, nhà trường, gia đình và cả mỗi đứa trẻ.

Nhất là ảnh hưởng bởi dịch, internet mang đến nhiều cơ hội học tập cho trẻ khi ngưng đến trường nhưng đi cùng đó cũng là nhiều cạm bẫy mà tất cả phải đối mặt.

Rất nhiều cạm bẫy với trẻ nhỏ trên thế giới mạng (Ảnh minh họa)

Trên thế giới mạng đầy rẫy các nguy cơ, hiểm họa thiếu an toàn với trẻ như bị bắt nạt, tiếp cận những hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, bị dụ dỗ tình dục qua mạng... Trong những đợt nghỉ dịch, tổng đài trẻ em 111 nhận nhiều phản ánh từ phụ huynh về việc con nhận được những tin nhắn gạ gẫm thông qua mạng xã hội.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ trẻ em trở thành nạn nhân trên mạng như nữ sinh ở nhiều tỉnh thành bị ép quan hệ tình dục sau gửi ảnh "nóng" qua mạng, nhiều bé gái lớp 5 ở Đồng Nai bị dụ quay clip nhạy cảm để đổi trà sữa...

Trong đợt nghỉ học tránh dịch vào đầu năm 2020, sau những trường hợp lớp học online bị tấn công bằng những clip sex, nhiều trò phá rối, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet.

Trong đó, Bộ nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; xây dựng các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên, trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.

Văn bản của Bộ lưu ý "Phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet".

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1. TPHCM viết thư nhắn nhủ học trò lớp 9 ngừng các hoạt động chơi game, facebook để tập trung cho việc học

Hiện nay, giáo viên có nhiều cách thức bảo vệ không gian lớp học trực tuyến để tránh sự tấn công từ bên ngoài. Nhưng việc học sinh lợi dụng việc học trực tuyến làm việc riêng, hay ngoài giờ học các em tham gia vào những hoạt động trực tuyến như thế nào, giáo viên không thể kiểm soát. Điều này đòi hỏi sự quản lý từ gia đình cùng ý thức của học sinh.

Nghỉ học ở nhà, rất nhiều trẻ nhỏ chủ yếu chơi và học qua internet, mạng xã hội, Điều này đặt ra yêu cầu các em rất cần được chỉ dẫn, định hướng sử dụng internet để tránh hiểm họa "chết vì thiếu hiểu biết" trên thế giới số.

Ngoài việc chỉ dẫn, giám sát con trên thế giới mạng, trong nhiều tình huống đòi hỏi phụ huynh cần có cách xử lý, ứng xử một cách khéo léo, tâm lý... nhằm hỗ trợ con trẻ, tránh những căng thẳng, xung đột đáng tiếc.

Cô hiệu trưởng kêu gọi học sinh ngừng chơi game để học trực tuyến

Mới đây, trong bức thư gửi học sinh lớp 9 chuyển qua học online, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TPHCM nhắn nhủ:

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, kỳ thi lớp 10 sẽ diễn ra. Khi học trực tuyến, cô mong các con sẽ tạm dừng các hoạt động chơi game, Facebook, Instagram… tập trung ôn tập hiệu quả, nghỉ ngơi hợp lý để đạt kết quả tốt nhất. Nhà trường cũng mong phụ huynh sẽ động viên, nhắc nhở và tạo điều kiện để các con ôn tập tốt nhất.

Tác giả: Lê Đăng Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP