Tại hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản ngày 3/10, đại diện Bộ Tư pháp khẳng định hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ và hiệu quả.
Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 58/63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian từ tháng 7/2017 đến hết năm 2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thù lao dịch vụ đấu giá tài sản đạt hơn 2.096 tỷ, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ.
Số lượng các cuộc đấu giá ngày càng tăng, tỷ lệ đấu giá thành chiếm tỷ lệ lớn; giá trúng đấu giá cao hơn, thậm chí có những cuộc đấu giá có giá trúng cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, trong đó có các cuộc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: An Như). |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận định hoạt động bán đấu giá tài sản đã phát triển mạnh, cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật, số vụ việc đấu giá thành lớn, chênh lệch giá khởi điểm và giá trúng đấu giá cao...
Dù vậy, hoạt động đấu giá còn nhiều khó khăn vướng mắc, chưa thật hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật cao như hiện tượng "đầu gấu", "bảo kê", "dìm giá", "sân trước, sân sau", trục lợi cá nhân dưới nhiều hình thức kể cả từ phía người có tài sản bán đấu giá, từ phía đấu giá viên và những người có liên quan khác. Đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật kể cả về pháp luật hình sự.
Các hoạt động bán tài sản theo yêu cầu cá nhân, tổ chức, bán tự nguyện còn rất ít nên tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững của hoạt động đấu giá trong thời gian tới. Đội ngũ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá phát triển chưa đồng đều, chất lượng một bộ phận đấu giá viên chưa cao, nhất là ở những địa bàn kinh tế còn khó khăn...
Khu đất đấu giá xảy ra nhiều sai phạm ở huyện Đan Phượng, Hà Nội. Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đề nghị hủy kết quả đấu giá 26 lô đất, nhưng UBND huyện Đan Phượng lại đề xuất hợp thức hóa sai phạm. Đến nay kết luận cuối cùng chưa được cơ quan chức năng công bố (Ảnh: Phùng Đô). |
Từ các ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng cần phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, quy định rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, thể chế và tăng cường đấu giá trực tuyến, thực hiện một số công việc qua môi trường mạng.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị các Sở Tư pháp tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức có tài sản bán đấu giá tăng cường trách nhiệm, giám sát chặt chẽ quá trình bán đấu giá, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Đặc biệt phải tham mưu UBND tỉnh vận hành cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá trên địa bàn, đấu tranh phòng chống hiệu quả hiện tượng "đầu gấu", "bảo kê", "quân xanh, quân đỏ" trên địa bàn…
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí