Giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên sẽ là những người làm thay đổi nền giáo dục

Chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao tặng Bằng khen cho 400 giáo viên tiêu biểu dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Giáo dục có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, chính vì vậy nghề dạy học và các thầy giáo, cô giáo luôn được xã hội hết sức quan tâm, tôn vinh và kính trọng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự đóng góp, biểu dương, tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu.

Bộ GD&ĐT tổ chức ghi nhận sự đóng góp, biểu dương, tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu đại diện cho các nhà giáo ở các cấp học, bậc học; các nhà giáo đại diện các vùng miền trong toàn quốc.

Đó là các thầy giáo, cô giáo ở các trường mầm non không quản khó khăn, tận tình chăm sóc và nuôi dạy trẻ, yêu thương trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ và rèn luyện hình thành thói quen, hành vi văn minh, với sự yêu thương, tôn trọng và công bằng với trẻ.

Họ cũng là các thầy giáo, cô giáo ở các trường tiểu học, THCS - THPT và giáo dục thường xuyên đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, bám trường, gắn bó với lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi và giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh.

Các nhà giáo được tuyên dương chia sẻ cảm xúc hạnh phúc, tự hào khi được lựa chọn để vinh danh.

Theo ông Sơn, trong suốt 3 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, lĩnh vực giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Thế nhưng, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, cán bộ và nhân viên toàn ngành đã nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng.

Sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy, các cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành. Qua đó, củng cố thêm sức mạnh, niềm tin để toàn ngành tiếp tục nỗ lực, vượt khó trên cả chặng đường dài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, trước yêu cầu mới của đất nước, của thời đại, nhà giáo đặt mình trong bối cảnh của giáo dục toàn thế giới sẽ thấy còn nhiều việc phải phấn đấu, nhiều việc phải nỗ lực, cố gắng... Nhưng chính đội ngũ sẽ là những người làm thay đổi nền giáo dục của đất nước.

Không thể chỉ ngồi than vãn về sự tụt hậu so với thế giới, chờ thời cơ đến mà phải chủ động đón trước thời cơ và tìm giải pháp để hành động. Sự đồng hành giữa tư tưởng và giải pháp đó là chìa khóa của thành công. Những khát khao chân chính hiện hình trong tâm thức, thôi thúc và làm dậy đam mê cống hiến trong trái tim, khối óc của những người thầy, người cô.

“Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho thế hệ tương lai. Chúng ta không hướng người học chỉ tập trung vào kiến thức học mà đồng thời phải dạy cho học trò có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội”, ông khẳng định.

Các nhà giáo được tuyên dương chia sẻ cảm xúc hạnh phúc, tự hào khi được lựa chọn để vinh danh. Bằng khen Bộ trưởng sẽ là món quà động viên tinh thần thầy cô tiếp tục nỗ lực, cống hiến với sự nghiệp “trồng người”. Thầy cô cũng bày tỏ mong muốn, Nhà nước có chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ làm sao đảm bảo đời sống để yên tâm dạy học.

TS Hoàng Quý Châu, giảng viên khoa Sư phạm, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Quy Nhơn (Quy Nhơn), chia sẻ, người Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo.

“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Do đó, thầy giáo không chỉ quan trọng đối với mỗi người mà quan trọng đối với cả một quốc gia và một nền văn hóa dân tộc.

Theo cô Châu, trong những năm gần đây, giáo dục ĐH đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị trí của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được đòi hỏi của công việc và kỳ vọng của xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp hoặc làm việc trái với chuyên ngành đào tạo của cử nhân còn cao, hoạt động đào tạo ở một số trường đại học còn chạy đua theo số lượng và lợi ích kinh doanh. Đó là chưa nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu so với nhu cầu của xã hội”, cô Châu nói.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP