Chàng trai kể câu chuyện bị đuổi khỏi nhà vì chưa tìm được “một nửa” (nguồn: internet) |
Lời cầu cứu của thanh niên nọ: “Cầm đồ trên tay anh em gọi. Lạy mẹ con đi kiếm vợ hiền. Tôi vừa bị tống ra khỏi nhà các ông ạ. Chỉ vì 31 tuổi vẫn chưa một mảnh tình vắt vai. Không phải tôi kén mà do duyên số cứ lận đận kiểu gì ý. Yêu ai thích ai auto người ta có người yêu rồi, thế nên chỉ thấy thêm em gái, mãi chẳng thấy bóng dáng ai yêu thương. Hôm qua cả bố lẫn mẹ tôi chửi như chửi quân thù vì mãi vẫn thấy chưa dắt cô nào về. Tôi mới gắt lại: “Con gái có phải bó rau bó cỏ đâu mà bảo có là có ngay được”. Thế là ăn ngay một cái bát suýt vào mồm, combo thêm cái chổi trúng giữa mặt và sẵn sàng vali tống ra khỏi nhà như này đây”. Sau một hồi trình bày hoàn cảnh, chàng “thỉnh cầu” 500 anh em trên mạng: “Có chỗ nào cho thuê trọ ở Thanh Xuân thì comment cho tôi với”.
Không ai dám đảm bảo độ chính xác của câu chuyện trên. Trong thời sống ảo, mọi điều đều có thể xảy ra. Biết đâu đây chỉ là một hoàn cảnh bịa đặt để thỏa chí “câu like”? Song chuyện thật hay bịa cũng không quan trọng. Quan trọng ở chỗ nó đã khơi nguồn để bao nhiêu bạn trẻ Việt trút bỏ nỗi niềm chịu đựng bấy lâu. Một phụ nữ sau khi đọc “tâm thư” của chàng trai 31 tuổi, đã công khai chuyện cá nhân: “19 tuổi bị đuổi ra khỏi nhà đúng đêm 30 tết. Chỉ vì ai đến tán cũng chê. Bố tuyên bố: “Tao không nuôi bom nổ chậm trong nhà. Ai mày cũng chê thì thằng què, thằng sứt tao cũng gả”. Chỉ vì áp lực mà đành phải chấp nhận người yêu mình và rồi cưới về được 4 hôm đã muốn bỏ. Cố gắng lắm mới sống với nhau được hơn 5 năm rồi đường ai nấy đi”. Từ chuyện của bản thân, cô khuyên chị em: “Phụ nữ ơi. Cứ chơi chán đi. 25-30 lấy chồng cũng chưa muộn. Đừng lấy chồng sớm để lời ru thêm buồn…”. Sau một lần lỡ dở, hiện nay người phụ nữ này đã lấy chồng Hàn Quốc. Hạnh phúc đến muộn, lại ngọt ngào: “Chồng hơn 8 tuổi. Nghèo. Nhưng sống có tình có nghĩa. Không biết chửi bậy. Biết chia sẻ tất cả việc trong nhà. Giặt quần áo, rửa bát, dọn dẹp đều làm cùng nhau. Chỉ mỗi là không biết nấu ăn thôi. Đi đâu cũng muốn vợ đi cùng. Mình muốn làm gì, mua gì, ăn gì cũng được, không phân biệt coi thường người nước ngoài. Từ ngày quen nhau năm 2014 đến giờ chưa bao giờ cãi nhau, nói chung là ổn”.
Nhớ nhà mà chẳng dám về…
Câu chuyện về chàng trai 31 tuổi bị cha mẹ đuổi khỏi nhà vì lí do chưa có người yêu, khiến không ít bạn trẻ giật mình: “Mong sao mẹ tôi không đọc được cái tin này, mẹ tôi hay học hỏi lắm”, “Cầu trời… cầu phật… sáng mai ngủ dậy… áo quần mình chưa nằm ngoài sân”; “Không dám cười thanh niên này vì không biết bao giờ tới lượt mình như vậy hiu hiu”.v.v... Chủ facebook Trịnh Văn Tuân lên tiếng: “Ngày còn đi học, tức thời sinh viên, thì cấm không cho yêu. Ra trường rồi thì kêu tập trung vào sự nghiệp. Rồi cứ mãi tập trung cho công việc làm, làm, làm và làm. Đến lúc lớn không muốn yêu nữa thì lại giục cưới vợ. Nản”. Than phiền nhận được nhiều đồng cảm: “Bác nói chuẩn quá”, “Giống nhau đến thế”… Nick name Thiện Thánh Thiện tổng kết: “Chỉ có thể là phụ huynh Việt Nam”.
Tuy nhiên, bạn trẻ cũng nghĩ ra trăm phương ngàn kế để đối phó với những bậc phụ huynh thích xen vào chuyện trăm năm của con cái. Nick name Hạ Hạ Trắng tiết lộ bí quyết để sống an mỗi khi về quê: “Lần nào về quê cũng dặn trước, về mà ba mẹ nói đến chuyện vợ con nữa là con xách ba lô quay vào Sài Gòn ngay lập tức. Và đến giờ tôi vẫn yên ổn”. Nick name Tào Mạnh Đức thì dùng cách không về nhà, đỡ bị “truy tội” nhưng đây cũng là “chiêu” bất đắc dĩ, người này thú nhận: “Nhớ nhà mà không dám về huhu”. Một “chiêu” bất đắc dĩ khác của một bạn nam: “Mẹ bảo: không có người yêu thì đừng gọi cho mẹ. Lâu rồi tôi không gọi cho mẹ. Tôi cũng đã lỡ nói: Mẹ mà còn giục con lấy vợ nữa là con sẽ không bao giờ lấy vợ. Con nói là con làm thật đấy. Đỡ áp lực từ bố mẹ nhưng lúc nào cũng cảm thấy gánh nặng ngàn cân. Bao giờ mình mới gọi cho mẹ nhỉ ?”.
Song những bạn ở xa nhà đang trong tình trạng “hẩm hiu một mình” dù sao vẫn tự cảm thấy họ còn may chán: “May là tớ ở xa nhà nên không bị đuổi ra nhưng mà tết lễ gì thì đừng có mò mặt về nhà”. Có những bạn sống cùng cha mẹ đành chọn cách đi biệt tích, một nickname kể: “Tớ có hai thằng bạn đã 34 mùa hoa xoan vẫn chưa có người yêu. Mỗi lần về nhà gia đình họ hàng cứ nhắc chuyện lấy vợ nhiều quá, quẫn trí chúng bỏ đi biệt tích luôn”. Cũng có bạn không bị dọa đuổi khỏi nhà nhưng lại bị dọa kiểu khác: “Tớ 29 tuổi. Mấy ông anh đằng ngoại bảo tết này không dẫn người yêu về thì 8 mâm cỗ để cho cậu rửa (bát) hết. Chứ các chị già rồi đau lưng lắm mà chưa có đứa phụ”.
Không chỉ những chàng, nàng ngấp nghé tuổi 30 mới bị áp lực chuyện yêu đương, lấy chồng. Nick name Hoàng Thanh chia sẻ: “Lúc còn sinh viên thì bảo không nên yêu đương vì ảnh hưởng đến học tập. Vừa ra trường suốt ngày bố mẹ hỏi con không dẫn thằng nào về à?”.
Một thanh niên Trung Quốc quẫn trí tự tử, trước áp lực lấy vợ, được người nhà phát hiện, đưa vào viện cấp cứu. (nguồn: internet) |
Khép tội bất hiếu
Trong vô vàn những bình luận rôm rả của bạn trẻ quanh câu chuyện chàng trai 31 tuổi bị đuổi khỏi nhà vì chưa có người yêu, một vị phụ huynh lên tiếng: “Thời buổi này con cái bất tuân lời cha mẹ, chỉ lo hưởng thụ bản thân, không lo lập gia đình”. Nhiều bậc phụ huynh thời nay vẫn bảo lưu quan niệm xưa cũ: “Con cái phải lập gia đình, sinh con đẻ cái thì mới gọi là có hiếu với cha mẹ”. Cách đây khoảng 2 năm, một chàng trai được cộng đồng mạng quan tâm vì tâm sự đăng trên trang NEU Confessions. Chàng kể: “Đang ngồi xem ti vi thời sự nắm bắt thông tin… mẹ nhìn thẳng mặt xong nói: - Thế bao giờ con định lấy vợ - Người yêu con chưa có, mà con học xong rồi làm một thời gian nữa mới lấy vợ - Là bao nhiêu, mày chốt phương án cho tao!- Khoảng 34, 35 tuổi - Tao chết, tao đi chết đây, con cái mất dạy!”. Chàng kể thêm một tình huống dở khóc, dở cười: “Ăn mặc quần áo bảnh bao, tự dưng mẹ nhìn xong mẹ hỏi: -Đi đâu?- Con đi chơi với bạn bè - Ừm có đi chơi với đứa con gái nào thì đừng dùng BCS (bao cao su)- Sao lại thế? - Thì hai đứa chơi với nhau, yêu nhau xong chửa luôn rồi cưới luôn, chửa trước cũng được, cưới về tao nuôi vợ nuôi con mày cho”. Ở nhà, chàng thạc sỹ luôn bị mẹ “tặng”cho những từ ngữ nặng nề: “thằng mất dạy”, “thằng bất hiếu”, “thằng vô ơn”, “thằng khó bảo”…
Thực ra, các bậc phụ huynh cũng có nỗi khổ riêng. Chuyện chúng tôi gom nhặt được, một phụ huynh có con trai ngoài 30 tuổi chưa lấy vợ, thường xuyên bị hàng xóm hỏi han, bà cảm thấy khó chịu. Ngay cả ngày tết, hàng xóm đến chúc tết, vẫn điểm danh: “Cả xóm này còn mỗi cậu nhà mình chưa chịu lấy vợ”. Từ đó, vợ chồng bà đóng cửa, ít giao lưu với hàng xóm. Một bạn trẻ cũng phàn nàn bị hàng xóm “tấn công”: “Tôi mới 23, không thấy lo lắng gì mà mấy bà hàng xóm cứ lo giùm là sao”. Bạn nữ khác, chung hoàn cảnh: “Hôm bữa, mới sáng sớm thức dậy chưa ăn sáng cái bà và ông hàng xóm nói, nhà có nhỏ không thấy bồ, không ai cưới, máu ta tới não luôn”.
Tuy nhiên, câu chuyện bạn trai 31 tuổi bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà vì chưa có người yêu, cũng góp phần kích thích sự dấn thân tự lập của bạn trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Không ít bạn trẻ khoe: Chưa cần bố mẹ đuổi họ đã tự giác ra ở riêng. Cũng có bạn nói rằng: 25 tuổi vẫn chưa có người yêu thì “kỹ năng giao tiếp cực kỳ kém”.
Để thay đổi quan niệm của các bậc phụ huynh hay ánh nhìn của hàng xóm không phải câu chuyện một sớm, một chiều. Dù nguy cơ tấn công của bệnh tiểu đường ngày càng cao song câu hỏi “Bao giờ cho ăn kẹo” vẫn chưa chịu lỗi “mốt”, cho nên một số bạn chọn cách “đắp tai ngoảnh mặt”, ai nói gì cũng kệ, “mình thấy vui là được”. Nhưng cũng có những bạn trẻ không chịu nổi áp lực đã chọn cách giải pháp tiêu cực. Câu chuyện diễn ra khoảng tháng 10, năm 2018: Chị N.T.T 28 tuổi phải vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức (Hà Nội) vì tình trạng lo lắng, hoảng loạn, muốn chết… khi thường xuyên đối mặt với câu hỏi của người thân và bạn bè xung quanh: “Bao giờ lấy chồng?”. Ở Trung Quốc, không ít thanh niên trẻ cũng chịu áp lực này.
Tác giả: ĐÀO NGUYÊN
Nguồn tin: Báo Tiền Phong