Sau khi tuyên thệ, Donald Trump sẽ là người duy nhất ở Mỹ có quyền ra lệnh thực hiện một hành động mà có thể dẫn tới cái chết của hàng triệu người chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ.
Vấn đề mà nhiều người nghĩ tới sẽ là với tính cách thẳng thừng của Trump thì liệu các vệ sĩ có thể ngăn được một quyết định bốc đồng với những hậu quả thảm khốc hay không?
Trước hết phải thừa nhận rằng, Trump đã dịu giọng sau nhiều bình luận rất hăng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Gần đây, ông thậm chí tuyên bố bản thân sẽ "là người cuối cùng sử dụng chúng".
Trong chuỗi chỉ huy còn có nhiều nhân vật cấp cao khác, chẳng hạn Bộ trưởng Quốc phòng (tướng về hưu James Mattis). Tuy nhiên, Mark Fitzpatrick – một chuyên gia về không phổ biến hạt nhân tại Viện Các nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở Washington, cho rằng quyền quyết định mở một cuộc tấn công chỉ nằm trong tay Tổng thống.
Về lý thuyết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể từ chối tuân lệnh nếu có lý do nghi ngờ quyết định của Tổng thống, nhưng làm như vậy sẽ cấu thành tội nổi loạn và có thể bị Tổng thống sa thải, chuyển nhiệm vụ cho Thứ trưởng Quốc phòng.
Cũng trên lý thuyết, theo Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ, Phó tổng thống có thể tuyên bố Tổng thống không đủ năng lực trí tuệ để đưa ra một quyết định đúng đắn. Nhưng điều này sẽ phải nhận được sự ủng hộ của đa số Nội các.
Bên trong chiếc vali "quả bóng hạt nhân" là một "sách đen" gồm các lựa chọn tấn công để Tổng thống quyết định với tư cách là Tổng tư lệnh, sử dụng tấm thẻ nhựa.
Ngay khi Tổng thống quyết định các lựa chọn tấn công từ một menu sẵn, lệnh được truyền qua Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tới Phòng Chiến tranh của Lầu Năm Góc, và rồi bằng mật mã tới trụ sở Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ tại căn cứ Không quân Offutt Airbase ở Nebraska.
Lệnh khai hỏa tiếp tục được truyền tới đội ngũ phóng, dùng mã hóa khớp với mã đã được khóa an toàn.
Tác giả bài viết: Thanh Hảo
Nguồn tin: