Các bác sĩ khoa Ngoại nhi, BV TƯ Thái Nguyên vừa điều trị cho bé trai Dương Chí V., 3 tuổi, trú tại huỵen Võ Nhai, Thái Nguyên bị tắc ruột do giun.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn cơn, siêu âm có nhiều búi giun trong lòng ruột nên được chỉ định dùng thuốc tẩy giun.
Sau uống thuốc, bé V. nôn ra giun, bụng chướng tăng dần và tiếp tục đau. Khi chụp X-quang ổ bụng, bác sĩ kết luận trẻ bị tắc ruột do giun, chỉ định phẫu thuật gắp giun.
Khi mở ra, giun chiếm hầu hết lòng ruột non, đại tràng, cách góc hồi manh tràng 10cm, đặc biệt có nhiều búi lớn gây tắc lòng ruột. Số giun gắp ra có khối lượng hơn 400g.
Sau mổ, bệnh nhi được nuôi dưỡng tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh, chăm sóc tích cực, hiện tình trạng sức khoẻ đã ổn định.
Bác sĩ mổ gắp giun cho bệnh nhi |
Trường hợp của bé V. tuy hi hữu nhưng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng thiếu kiến thức trong chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho trẻ em, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi...
Các bằng chứng cho thấy, trứng giun có thể tồn tại trong nhiều tháng. Khi nhiễm giun sẽ gây nhiều tác hại như thiếu máu, thiếu vitamin, suy dinh dưỡng, gây bệnh gan mật, phổi, tắc ruột, nhiều trường hợp nặng còn có thể tử vong.
Với giun đũa, các triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất là đau quặn bụng, cơn đau tăng dần, khám thấy bụng căng, nôn ra giun...
Trường hợp bị tắc ruột do giun kéo dài có thể trở lên phức tạp với lồng ruột, xoắn ruột, xuất huyết hoặc hoại tử ruột, thậm chí là thủng ruột. Khi có dấu hiệu hoại tử ruột bắt buộc là cắt bỏ đoạn ruột hoại tử.
Để tránh những trường hợp nhiễm giun nguy hiểm, cách đơn giản nhất là cha mẹ nên tẩy giun định kỳ cho con từ 1-2 năm/lần.
Để tránh nhiễm giun, chan mẹ cần tẩy giun cho trẻ theo định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần để đảm bảo sức khỏe cho các trẻ vì nhiễm giun ở trẻ em là không thể tránh khỏi do trẻ hay nghịch đất cát, mút tay, cần cho trẻ dùng đồ ăn, thức uống đã được nấu chín, đun sôi, chăm sóc vệ sinh thân thể tốt.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet