Kinh tế

Bất thường thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu: Có gian lận?

Từ "bán ra" ở đây chính là giá bán lẻ được bán ra cho người tiêu dùng, không phải là giá bán ra cho các nhà nhập khẩu, phân phối

Liên quan tới thông tin từ đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu hiện nay đang khiến người dân kêu ca, ngân sách thất thu còn doanh nghiệp được hưởng lợi lớn, GS Đặng Đình Đào (ĐH KTQD) cho rằng "cần nhìn nhận vấn đề trên như một hiện tượng gian lận thuế".

Thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu không minh bạch khiến người dân thiệt nhiều lần. Ảnh minh họa

Dân chịu phần thiệt?

GS Đặng Đình Đào phân tích, theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu (đầu mối) bán ra.

"Từ "bán ra" ở đây chính là giá bán lẻ được bán ra cho người tiêu dùng, không phải là giá bán ra cho các nhà nhập khẩu, phân phối.

Trong trường hợp này, Bộ Công thương đã hiểu như thế nào? Vì sao lại có việc thu của người tiêu dùng thì đúng mà nộp về ngân sách lại sai?

Tôi cho rằng, cần phải làm rõ động cơ, mục đích trong văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương. Nếu có hiện tượng cố tình hiểu sai, nhằm trục lợi thì cần phải xử lý nghiêm minh những người có trách nhiệm liên quan, đồng thời cần nhìn nhận tình trạng trên như hiện tượng gian lận thuế để xử lý.

Ngược lại, nếu là do hiểu sai, do sai sót trong quá trình soạn thảo cũng phải đặt câu hỏi về trình độ, trách nhiệm của những người liên quan trong quá trình thực hiện soạn thảo văn bản nói trên.

Nên nhớ, quy trình ban hành một văn bản rất chặt chẽ, nhiều khâu đoạn, bao gồm từ khâu chuẩn bị nội dung, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt rồi mới được ban hành, vì vậy, thật khó có thể giải thích là do sai sót, do trình độ, hay do nhận thức hạn chế được?", vị GS nói.

Kiểm toán vào cuộc là thông tin tốt

Cũng theo vị GS, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt của người dân theo giá bán lẻ đã khiến người dân phải chịu thiệt đơn, thiệt kép.

"Tôi lấy ví dụ, nếu tính thuế tiêu thụ đặc biệt trên 1 lít xăng theo giá bán buôn là 10 đồng thì thuế tiêu thụ đặc biệt trên 1 lít xăng theo giá bán lẻ sẽ là 13 đồng, như vậy, người dân tự nhiên phải chịu thêm 3 đồng cho 1 lít xăng, ngân sách cũng mất đi 3 đồng tiền thuế, còn doanh nghiệp kinh doanh nghiễm nhiên được bỏ túi 3 đồng. Không thể chấp nhận tình trạng này được.

Đó là chưa nói, việc kinh doanh xăng dầu, điện nước lâu nay còn rất nhiều vấn đề nhập nhèm, không minh bạch, chi phí đầu vào không được công khai, doanh nghiệp tính giá nào dân cũng phải chịu.

Trong trường hợp những chi phí vận chuyển, lưu kho bãi, lỗ, lãi của ngành xăng dầu không được công khai, minh bạch thì việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ nhập nhèm, bị đẩy theo. Ví dụ, đáng lẽ thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ là 1 đồng thì có thể sẽ bị tính tới 2 - 3 đồng, việc này cũng đồng thời khiến giá bán xăng tới người tiêu dùng sẽ bị đẩy lên, như vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng có thể sẽ phải chịu thiệt nhiều lần do cách tính nhập nhèm của ngành xăng dầu", GS Đặng Đình Đào tính toán.

Vị GS cho rằng, tình trạng trên phải được xem xét kỹ và xử lý minh bạch ngay.

Trước hết, phải xem xét lại công tác quản lý nhà nước, phải tìm cho ra những kẻ hở, lỗ hổng trong quản lý khi để xảy ra sai sót nói trên. Đồng thời phải xử lý nghiêm trách nhiệm những người liên quan.

Với số tiền chênh lệch thuế, cần có biện pháp truy thu ngay lập tức.

"Tỉ lệ chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt trên 1 lít xăng không phải là nhiều nhưng nếu tính trung bình mỗi ngày ngành xăng dầu bán ra hàng trăm nghìn lít xăng thì số tiền chênh lệch là quá kinh khủng.

Nếu cứ nhân lên sẽ thấy con số ngân sách bị thất thu lớn tới mức nào?. Số tiền này phải được truy thu, nộp về ngân sách", GS Đào nói.

Về phía người tiêu dùng, GS Đặng Đình Đào thừa nhận người tiêu dùng đang chịu thiệt nhưng lại chưa có được giải pháp xử lý cho hài hòa. Với những thiệt hại mà người tiêu dùng đang gánh, vị GS cho rằng, có thể tính toán để giảm giá bán bù đắp lại cho người dân.

Trong khi đó, nêu quan điểm cá nhân ĐBQH Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải có đánh giá, kiểm tra kỹ lưỡng.

"Sự vào cuộc của Kiểm toán là thông tin tốt, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét. Với trường hợp nào làm sai phải được kiến nghị xử lý, trường hợp nào Kiểm toán thấy chưa đúng thì cũng có thể kiến nghị thay đổi.

Tất cả đều phải thực hiện dựa trên các quy định pháp luật, đơn vị nào sai phải bị xử lý", ông Đức nói.

Tác giả: Lam Nguyễn

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP