Thể thao

Bản quy chế lỗi thời 'tố' năng lực yếu kém của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam

Bản quy chế chuyển nhượng sơ sài phần nào cho thấy năng lực yếu kém của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV). Đây cũng là nguồn cơn dẫn tới nhiều vụ việc ồn ào trong làng bóng chuyền.

Quy chế chuyển nhượng của VFV không đủ trở thành hành lang pháp lý bảo vệ lợi ích cho HLV, VĐV

Vụ chuyển nhượng bất thành của HLV Phạm Thị Kim Huệ và 3 VĐV Ngân hàng Công thương Ninh Anh, Phương Anh, Thu Hoài sang CLB Vĩnh Phúc mới đây không phải sự cố ồn ào đầu tiên của làng bóng chuyền. Câu chuyện chỉ trở nên căng thẳng khi VFV, dưới yêu cầu của Vĩnh Phúc, đã ra một bản án kỷ luật bị HLV Kim Huệ tố cáo là một chiều, thiếu cơ sở.

Cũng từ vụ việc này, người ta mới phát hiện Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền còn quá sơ sài, không tạo được hành lang pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho CLB cũng như HLV, VĐV, tạo tiền đề cho sự phát triển. Đơn cử như quy chế không hề có quy định nào về việc cấm VĐV đang còn hợp đồng với CLB này được đàm phán với CLB khác. Với bóng đá, cầu thủ chỉ được phép đàm phán với đội khác 6 tháng trước khi hết hợp đồng với đội bóng cũ. Như thừa nhận của TTK VFF Lê Trí Trường, đây là điểm còn chưa chuyên nghiệp của bóng chuyền.

Trên thực tế, Kim Huệ không phải vụ việc ồn ào đầu tiên của làng bóng chuyền. Năm 2009, VĐV Nguyễn Hữu Hà từng phải ngồi ngoài cả mùa giải, suýt mất vị trí ở ĐTQG cũng vì tranh chấp trong chuyển nhượng. Hữu Hà khi đó đã thoả thuận đầu quân cho đội “nhà giàu” mới nổi Đức Long Gia Lai, nhưng không được Tràng An Ninh Bình chấp thuận. Vấn đề không chỉ xuất phát ở sự rắc rối trong hợp đồng giữa Hữu Hà với CLB chủ quản, mà còn từ việc VFV không xây dựng được cơ chế, hệ thống hành lang pháp lý chuẩn, đủ để làm “trọng tài”.

Cho tới khi vụ việc của Kim Huệ và 3 VĐV Ngân hàng Công thương xảy ra, người ta mới phát hiện qua hơn 10 năm, bản quy chế bóng chuyền đang trở nên lạc hậu, không bắt kịp với sự thay đổi.

Nếu như trước đây, các hợp đồng chuyển nhượng bóng chuyền chỉ vài trăm triệu thì nay, con số đó có thể lên tới tiền tỉ với những VĐV thuộc hàng ngôi sao. Đơn cử như trường hợp Thu Hoài, cô được Vĩnh Phúc trả tới 3 tỷ cho hợp đồng 3 năm. HLV Phạm Kim Huệ được 4 tỷ còn Ninh Anh và Phương Anh được trả 2 tỷ. Giá trị chuyển nhượng tăng lên, đồng nghĩa những rắc rối có thể xảy ra với tính chất ngày một phức tạp.

Ở khía cạnh nào đó, có thể cho rằng chính quy chế chuyển nhượng lỏng lẻo của VFV là một trong những lý do khiến bóng chuyền không có điểm tựa để tạo nên sức bật. Trên thực tế với giới am tường môn bóng chuyền, chuyện này không có gì lạ khi bộ máy VFV dưới thời ông Chủ tịch Lê Văn Thành để xảy ra quá nhiều vấn đề. Trong khu vực, bóng chuyền Việt Nam luôn ở “chiếu dưới” so với Thái Lan, thậm chí có lúc mất vị trí thứ nhì vào tay Indonesia (SEA Games 2017). Công tác tìm kiếm tài trợ kém, dẫn tới việc có năm bóng chuyền Việt Nam phải bỏ giải châu lục vì thiếu kinh phí. Giới hâm mộ có lẽ sẽ phải bất ngờ nếu biết trước khi nhiệm kỳ cũ kết thúc, con số còn lại trong ngân quỹ VFV là bao nhiêu. Việc ký hợp đồng, quản lý HLV nước ngoài cũng gây ồn ào, đơn cử như năm 2017, chuyên gia Nhật Bản Hidehiro Irisawa bất ngờ bỏ về nước ngay trước thềm SEA Games.

Không phải ngẫu nhiên khi VFV ký án phạt HLV Kim Huệ và 3 VĐV Ngân hàng Công thương, giới trong cuộc đặt câu hỏi có hay không Liên đoàn chịu sức ép từ phía nhà tài trợ khi luôn trong cảnh tài chính kém sung túc, chật vật kiếm tiền.

Hơn bao giờ hết, VFV đang đứng trước yêu cầu phải thực hiện cải tổ bộ máy mạnh mẽ ở đại hội sắp tới để có thể phát huy hết tiềm năng của môn bóng chuyền hiện nay.

Tác giả: V.P

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP