Hội nghị Trung ương 7 tập trung bàn, cho ý kiến đối với ba đề án quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội |
Tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ tập trung thảo luận về các đề án: Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, dự kiến Trung ương cũng sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; công tác cán bộ.
Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội nên được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm.
Lựa chọn cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín
Về đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, theo Ban chỉ đạo Đề án, cán bộ cấp chiến lược là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư với khoảng 610 người.
Mục tiêu của đề án là tiếp tục cụ thể hoá các quy định, quy chế về công tác cán bộ, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, giữa các cấp, các ngành và các khâu của công tác cán bộ.
Dự thảo đặt ra, đến năm 2020 hoàn thành nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhân tài, chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lựa chọn cán bộ thực đức, thực tài, có năng lực nổi trội, chuẩn bị nguồn nhân sự đại hội Đảng các cấp thông qua các "tổ chức khảo sát nhân sự".
Hệ thống bảng lương mới sẽ rút gọn chỉ còn 5 bảng lương
Đối với Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, thay đổi lớn nhất trong nội dung cải cách của đề án này là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.
Đặc biệt, thay vì 7 bảng lương như hiện tại, hệ thống bảng lương mới sẽ rút gọn chỉ còn 5 bảng lương, gồm: 2 bảng lương cho công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Cụ thể, sẽ có 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ T.Ư đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh lương công chức
Về Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sẽ chia làm 3 tầng: Tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng-hưởng để hỗ trợ cho Quỹ và nâng cao chất lượng chi trả.
Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho người nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hoá đóng- hưởng.
Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyện lưu thông với khối thị trường.
Để bảo đảm nguyên tắc của chính sách và duy trì, phát triển Quỹ, Đề án quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương hưu sẽ độc lập với điều chỉnh tiền lương công chức, khi có biến động lớn về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và phù hợp với Ngân sách Nhà nước. Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 1/1/2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm việc một tuần, bế mạc vào ngày 12/5.
Tác giả: Xuân Hưng
Nguồn tin: Báo VnMedia