Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng là rất quan trọng trong việc khiến nước này phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, ông đã buộc phải rút lại chính sách đối với Triều Tiên khi Tổng thống Trump cam kết không sử dụng cụm từ "sức ép tối đa" trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến vào ngày 12/6 ở Singapore.
Các Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-la ở Singapore ngày 3/6. (Ảnh: Reuters) |
Báo Japan Times cho biết, vào thứ Sáu tuần trước (1/6), ông Trump tuyên bố không muốn dùng cụm từ "sức ép tối đa" nữa, vì Mỹ và Triều Tiên hiện nay đang "hòa thuận". Sau bình luận này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã phải sửa lại bài phát biểu của ông vào hôm sau tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Theo bản thảo phát biểu thì Bộ trưởng Onodera định nêu rõ rằng cần phải "tiếp tục áp lực tối đa" lên Triều Tiên. Nhưng trong bài đã chỉnh sửa, ông nói cần "duy trì áp lực tối đa như đã áp đặt lên Triều Tiên", dường như ngụ ý Nhật sẽ không tính chuyện gây thêm áp lực với Bình Nhưỡng nữa.
"Chúng tôi phải đổi một số ý diễn đạt trong bài phát biểu, ngay sau khi chúng tôi biết Tổng thống Trump đưa ra những bình luận đó" – Japan Times dẫn lời một quức Bộ Quốc phòng Nhật.
Nhưng, kể cả đã chỉnh sửa ngôn từ phát biểu thì Bộ trưởng Onodera vẫn nhận được những lời đáp trả mạnh mẽ từ người đồng cấp Hàn Quốc Song Young Moo. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại với Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân hóa, ông Song thậm chí cho rằng Tokyo có kiểu đối thoại "gây tổn thương" với Bình Nhưỡng.
Ngày 2/6, Bộ trưởng Onodera không còn dùng từ "áp lực" khi nói về Triều Tiên tại cuộc họp báo sau khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Australia Marise Payne. Thậm chí, hiện đang có đồn đoán trong các phóng viên Nhật đưa tin về các động thái của ông Onodera rằng, chính quyền Abe đã sửa đổi chính sách của mình theo hướng của Mỹ.
Ngày 3/6, Bộ trưởng Onodera có cuộc gặp ba bên với ông Mattis và ông Song. Ở lần gặp trước hồi tháng 10, ba quan chức này đã nhất trí tiếp tục gây áp lực tối đa lên Triều Tiên để giải quyết khủng hoảng hạt nhân. Nhưng sau lần gặp này, Bộ trưởng Nhật chỉ nói rằng "Nhật, Mỹ và Hàn Quốc đến nay đã cơ bản nhất trí duy trì áp lực".
Từ "áp lực" thậm chí không được đưa vào một tuyên bố chung mà bộ ba đưa ra sau khi gặp gỡ. Thay vào đó, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại với Triều Tiên.
Bộ trưởng Onodera cũng thể hiện Nhật Bản đã có một số chỉnh sửa trong chính sách của mình, nói với các phóng viên rằng "áp lực và đối thoại sẽ kết hợp với nhau".
Sau khi Bình Nhưỡng có một số hành động mang tính hòa giải và ngoại giao tích cực từ đầu năm 2018, Nhật Bản vẫn cảnh báo về "ngoại giao mỉm cười" của Bình Nhưỡng, cho rằng nó có mục đích làm suy yếu các lệnh trừng phạt mà quốc tế đang thực thi với Triều Tiên.
Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Trump ngày 18/4 ở Palm Beach, Florida, Thủ tướng Abe nói hai người đã "hoàn toàn" nhất trí giữ áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng, hơn một tháng sau khi ông Trump quyết định gặp trực tiếp Kim Jong Un.
Một nguồn tin nhận định, ông Abe rất tự hào và tin rằng mình đã thúc ép được ông Trump tối đa hóa áp lực lên Triều Tiên.
Nhưng tình hình đã thay đổi ngoạn mục trong những tháng gần đây.
Lãnh đạo Triều Tiên đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In 2 lần, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự kiến gặp Tổng thống Trump ở Singapore vào ngày 12/6. Cũng có đồn đoán ông Kim sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai không xa.
Do vậy, Thủ tướng Abe có thể sẽ là nhà lãnh đạo duy nhất không thể tiếp xúc với Triều Tiên trong số những nước từng tham gia đối thoại sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Và ông có nguy cơ bị gạt ra bên lề.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet