Đáng nói, việc khai thác đất này chưa được cơ quan chức năng cấp phép và không thể cấp phép vì đây là đất lâm nghiệp được giao sử dụng 50 năm, nhưng chính quyền từ huyện đến xã lại không có biện pháp ngăn chặn mà còn có dấu hiệu “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp và các hộ dân được giao đất khai thác, bán đất trái phép.
Đất lâm nghiệp bị đào sâu vào phía đỉnh núi để lấy đất bán.
Tại hiện trường, khu đất trên đồi, cạnh đường vào bản Cao Vều (xã Phúc Sơn) đang được máy múc hoạt động hết công suất đưa đất lên lên thùng xe ô tô tải. Cứ thế, hết xe này đến xe khác thi nhau vận chuyển đất trái phép từ địa bàn xóm 16, xã Phúc Sơn ra khu đô thị thuộc thị trấn Anh Sơn để san lấp mặt bằng.
Các xe chở đất che chắn rất cẩu thả, khiến đất rơi vãi khắp đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ô nhiễm môi trường nhưng không bị lực lượng công an huyện này hay thanh tra giao thông tỉnh “sờ gáy”.
Xe tải ngang nhiên vào ra rầm rập lấy đất nhưng không bị ai “tuýt còi”
Khu vực lấy đất bị đào nham nhở, càng ngày càng lấn sâu vào đỉnh núi khiến đất lâm nghiệp có nguy cơ bị sạt lở, hàng nghìn khối đất được lấy đi nhưng không được kê khai, thất thoát thuế, tài nguyên của Nhà nước.
Một người dân ở cạnh đường thuộc xóm 16 xã Phúc Sơn, bức xúc: " Nhiều tháng ni rồi, doanh nghiệp cứ ngang nhiên khai thác trái phép nhưng có ai nói chi mô. Nhà tui ở đây khổ lắm, nắng thì bụi bặm, mưa thì trơn trượt. Mà lạ là đây là đất lâm nghiệp đã giao cho nhiều hộ chăm sóc bảo vệ mà họ cứ khai thác, không bị ai nói chi”.
Khi được hỏi về vấn đề khai thác đất lâm nghiệp trái phép, ông Hà Thanh Tài, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng 262 Nghệ An, tươi cười: “Chỗ đó anh mua quyền sử dụng 50 năm rồi mà. Anh mua của các hộ nhận khoán. San lấp cũng sắp xong rồi, còn cái ao nữa là xong”.
Xe tải của doanh nghiệp này trang bị, che chắn rất cẩu thả nhưng không bị công an giao thông hay thanh trá giao thông “sờ gáy”.
Doanh nghiệp khai thác đất lâm nghiệp để bán này là Công ty TNHH xây dựng 262 Nghệ An. Sau khi Công ty CP đầu tư xây lắp dầu khí số 1 Nghệ An, được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 9/8/2011. Xây dựng dự án khu đô thị này thất bại, đơn vị này đã bán lại dự án này cho Công ty CP mía đường Sông Lam. Công ty CP mía đường Sông Lam, thuê Công ty TNHH xây dựng 262 Nghệ An làm đơn vị san lấp mặt bằng.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ dân, công ty này đã mua quyền sử dụng của các hộ dân được giao khoán rồi tự ý đào đất đưa đi bán lấy tiền bỏ túi.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, Nguyễn Văn Tráng, tỏ ra rất khó chịu khi chúng tôi hỏi về việc khai thác đất trái phép này: “Đó là mấy hộ cải tạo vườn. Đắp ở đâu thì chúng tôi không quan tâm”(?).
Khi chúng tôi hỏi đây có phải là đất lâm nghiệp không thì ông chủ tịch này cho biết: “Đây đúng là đất lâm nghiệp, trước đây xã cũng đã đình chỉ việc cải tạo vườn của mấy hộ dân này. Nhưng thời gian gần đây, chúng tôi bận tiếp xúc cử tri nên không biết họ làm tiếp”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Đình Lục, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Anh Sơn, cho biết: “Về việc khai thác đất ở khu vực xóm 16 xã Phúc Sơn chúng tôi cũng đã biết. Nhưng trách nhiệm đầu tiên thuộc chính quyền xã. Còn chỗ đó đúng là đất lâm nghiệp, anh Tài (người đứng ra khai thác) cũng đã mua quyền sử dụng của mấy hộ dân nhưng thủ tục thì chư hoàn tất. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và xử lí ngay”.
Theo vị trưởng phòng này là như vậy, thế nhưng những ngày sau đó khi PV kiểm tra lại hiện trường thì tình trạng khai thác đất trái phép như đã phản ánh ở trên vẫn vô tư diễn ra. Đền nghị các cơ quan chức năng huyện Anh Sơn cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý đơn vị vi phạm!
Tác giả bài viết: Phạm Tuân