Hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn
Liên quan đến vụ chặt phá 189 cây pơ mu sát biên giới Việt - Lào xảy ra hồi tháng 4-2017 trên địa bàn xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An), ngày 31-12-2017, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục ra quyết định khởi tố thêm 2 cán bộ kiểm lâm gồm Nguyễn Viết Kiên (49 tuổi), kiểm lâm địa bàn tại xã Tam Hợp và Nguyễn Văn Cường (47 tuổi), kiểm lâm địa bàn tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) để điều tra, làm rõ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hiện trường vụ phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An). |
Liên quan đến vụ án này, trước đó, ngày 15-12-2017, Công an Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 2 bị can Phan Văn Trung (49 tuổi), Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Tam Hợp và Lê Đình Quyết (40 tuổi), Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng bản Ang, phụ trách bảo vệ rừng xã Lưu Kiền và xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, để điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự. Cả hai trạm bảo vệ rừng này đều trực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Tháng 3-2017, trong lúc tuần tra rừng tại khu vực biên giới Việt - Lào, địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Tam Hợp và Lưu Kiền, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện này phát hiện hàng trăm cây pơ mu thuộc rừng phòng hộ bị chặt phá nên báo cáo với kiểm lâm để phối hợp giải quyết. Ngay sau đó, Công an huyện Tương Dương đã vào cuộc và số liệu điều tra ban đầu cho thấy, tại khu vực biên giới xã Tam Hợp, tiểu khu 697 và tiểu khu 683, có 38 cây gỗ bị chặt hạ, với tổng khối lượng khoảng 70m³ gỗ tròn thuộc từ nhóm 2 đến nhóm 4.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện rải rác các gốc cây bị chặt, chưa kịp tẩu tán tang vật. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, dưới sự chỉ đạo của Công an tỉnh, ngày 27-3-2017, Cơ quan điều tra Công an huyện Tương Dương đã ra Quyết định 41 khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng để điều tra, làm rõ. Do tính chất phức tạp của vụ việc nên vụ án sau đó được chuyển cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An để điều tra, mở rộng.
Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm cho biết thêm: Do hành vi thiếu trách nhiệm của ông Phan Văn Trung và ông Lê Đình Quyết trong công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng dẫn đến các đối tượng đã vào rừng phòng hộ xã Tam Hợp khai thác trái phép 23 cây gỗ pơ mu, với tổng khối lượng 41,49 m³ gỗ tròn, gây thiệt hại hơn 448 triệu đồng.
Trong khi đó, tại rừng phòng hộ xã Lưu Kiền, các đối tượng đã khai thác trái phép 166 cây gỗ pơ mu có tổng khối lượng 298,235 m³ gỗ tròn, gây thiệt hại hơn 3,4 tỷ đồng. Đây là vụ phá rừng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ trước đến nay.
Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 25-12, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tỉnh Nghệ An, Đại tá Trần Minh Công, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, đã xử lý quyền Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Hợp với hình thức khiển trách về đảng và kỷ luật quân đội. Cũng tại địa bàn này, vào năm 2014, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án khi có 49 cây gỗ pơ mu bị chặt hạ, với hơn 150 m³ gỗ được phát hiện.
Trước đó không lâu, vào tháng 10-2017, tổ công tác Trạm quản lý bảo vệ rừng Cắm Muộn tổ chức tuần tra tại tiểu khu 148, khu nảo tồn thiên nhiên Pù Huống, thuộc địa bàn xã Quang Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An), phát hiện lâm tặc đang chặt phá rừng trong khu bảo tồn. Tại hiện trường, phát hiện 6 đối tượng đang dùng cưa máy để chặt hạ rừng, nhưng do lực lượng quá mỏng (3 người) nên chỉ bắt được một lâm tặc, số còn lại đã bỏ chạy vào rừng sâu. Qua kiểm tra thực địa, phát hiện tại tiểu khu 148, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Phù Huống có tất cả 13 cây pơ mu bị chặt phá với khối lượng hơn 15,3 m³.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Phong đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Đến ngày 7-11-2017, tất cả 6 đối tượng là người địa phương, cùng trú tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, đã đến cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Phong đầu thú và khai nhận hành vi khai thác gỗ trái phép tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Kiểm lâm địa bàn tiếp cận vụ phá rừng tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. |
Vào cuối tháng 2-2017, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một vụ phá rừng tại bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Số lượng gỗ bị chặt là 36 cây gỗ sa mu quý hiếm, với tổng khối lượng gỗ 139 m³. Cũng thời điểm này, tại các xã Nam Sơn và Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, cơ quan chức năng phát hiện người dân đã tự ý đốt, phá rừng trái phép trên diện tích hơn 63 ha để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ rừng tự nhiên sang trồng rừng keo nguyên liệu.
Đây là diện tích rừng được Nhà nước giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP, là rừng khoanh nuôi tái sinh, trong đó có một số diện tích thuộc nhóm 2B, đã có trữ lượng gỗ, được giao cho dân để quản lý, bảo vệ, không được khai thác. Tương tự, tại địa bàn huyện Tân Kỳ, khu vực rừng phòng hộ giáp ranh với huyện Yên Thành đã xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ, kéo dài từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Riêng năm 2017, diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện này bị xâm hại, chặt phá lên đến 87,3 ha.
Có sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất
Số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho thấy, trong năm 2017, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 730 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản, tịch thu 1.235,8 m3 gỗ các loại, tổng thu nộp ngân sách hơn 11,2 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, Công an Nghệ An đã khám phá 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia. Tang vật thu giữ hơn 500 m3 và 15 tấn gỗ các loại, trong đó có 17 vụ có dấu hiệu hình sự.
Qua đó, đã khởi tố 14 vụ với 39 đối tượng, trong đó tội danh vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng là 7 vụ, 24 bị can, hủy hoại rừng 3 vụ, 8 bị can, đã khởi tố 4 bị can về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nghệ An cũng đã xử lý kỷ luật gần 50 cán bộ liên quan các vụ phá rừng. Trong đó, có cả những người giữ chức vụ bí thư, phó bí thư và chủ tịch UBND xã cùng một số lãnh đạo kiểm lâm, giám đốc lâm trường và cán bộ giữ rừng.
Nghệ An có địa bàn rộng, các huyện miền núi có chiều dài giáp biên giới Lào trải rộng, địa hình hiểm trở nên khó khăn trong công tác bảo vệ rừng là có thật. Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm cho biết: Để tiếp cận được hiện trường vụ chặt phá 189 cây pơ mu ở xã biên giới Tam Hợp, tổ công tác đã mất hàng tháng trời, trong đó có ít nhất 3 ngày đi bộ.
Từ Trung tâm huyện lỵ Tương Dương vào xã Tam Hợp chỉ có con đường độc đạo, lại đang thi công nên mùa mưa đất đá từ rừng sụt xuống khiến các phương tiện không thể lưu thông.
“Đó chưa phải là khó khăn lớn nhất, bởi tại khu vực rừng bị triệt hạ, có hơn 150 hộ dân tộc Mông của 2 bản Nậm Càn 1 và Nậm Càn 2, thuộc xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, sinh sống. Mỗi bản chỉ có 1 dòng họ nên sự cấu kết dòng tộc rất chặt chẽ, dẫn đến việc thu thập thông tin rất khó khăn. Mặt khác, liên quan đến vụ chặt phá rừng tại huyện Kỳ Sơn mà công an huyện này đang điều tra, một số cán bộ cấp ủy, chính quyền xã Nậm Càn cũng có dính líu trong việc tham gia khai thác gỗ trái phép nên không hợp tác. Đó, là những khó khăn, trở ngại lớn nhất trong các vụ án liên quan đến rừng mà bất cứ cơ quan nào khi vào cuộc cũng vấp phải”, Đại tá Thiêm kể.
Đồng cảm với vấn đề này, Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cũng chia sẻ: Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ 36 cây gỗ sa mu bị chặt phá trên địa bàn xã Nậm Càn, phát hiện một số cán bộ xã cũng liên đới trách nhiệm nên công an huyện đã tham mưu cho chính quyền xử lý về mặt chính quyền, về mặt Đảng. Có trường hợp bị cách chức, đưa người khác lên tạm quyền thì bị cả bản phản ứng, kiên quyết bắt nhân sự mới này không được nhận nhiệm vụ vì người bị cách chức liên quan đến dòng họ, phạm vào hương ước, lệ làng.
Các đối tượng phá rừng tại huyện Kỳ Sơn bị đưa ra xét xử. |
Trong vụ việc này, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã kỷ luật 4 cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Kỳ Sơn. Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã điều tra, làm rõ, tiến hành khởi tố 4 vụ án, 12 bị can về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Đồng thời, điều tra mở rộng, bắt, khởi tố 1 bị can là Trạm trưởng Trạm quản lý và bảo vệ rừng Nậm Càn, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho rằng, nguyên nhân khách quan là lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng chưa được đảm bảo số lượng theo quy định, toàn tỉnh còn thiếu hơn 500 biên chế, nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển, bảo vệ rừng ngày càng giảm.
Ông Hiếu cũng thừa nhận, chính sách hưởng lợi đối với người nhận giao đất, giao rừng hiện nay chưa rõ ràng, người dân chưa thực sự được hưởng lợi từ chính sách giao đất, giao rừng. Thực trạng là hiện nay Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất, trữ lượng gỗ và lâm sản phụ lớn, nhưng sản phẩm thương mại lấy từ rừng ra còn thấp; người dân sống gần rừng và ven rừng chưa đảm bảo cuộc sống từ nghề rừng.
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các hành vi khai thác, chặt phá rừng, tác động tiêu cực đến rừng. Mặc dù vậy, hầu hết các vụ việc đã xảy ra, các đơn vị thuộc ngành NN&PTNT đều đã chủ động phát hiện, xử lý. Với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, đã đề nghị các cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ trên tinh thần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không nương nhẹ với các sai phạm, và không có vùng cấm đối với bất kỳ tổ chức cá nhân nào.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thì cho rằng, pháp luật quy định để bảo vệ rừng gồm có 4 đơn vị, chủ thể gồm: ban quản lý các rừng phòng hộ, kiểm lâm địa bàn, chủ tịch UBND các xã nơi có rừng và bộ đội biên phòng ở khu vực có rừng được bộ đội biên phòng đóng quân.
Theo Nghị định 119 và Quyết định 83 của Bộ NN&PTNT thì quy định trách nhiệm của cả 4 đơn vị này đều rất lớn. Để dẫn tới tình trạng phá rừng ở Nghệ An trong thời gian qua, một phần kiểm lâm và biên phòng không làm tròn trách nhiệm. Do đó, để ngăn chặn nạn phá rừng như trong thời gian vừa qua thì lực lượng chức năng cần phải xử lý mạnh tay.
“Ngoài điều tra làm rõ trách nhiệm của các chủ rừng và kiểm lâm địa bàn, sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã và các lực lượng có liên quan để xử nghiêm trước pháp luật. Nếu không xử lý nghiêm các vụ việc, sẽ không bảo vệ được rừng”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 940,5 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 786,9 nghìn ha, rừng trồng 153,56 nghìn ha. 10 tháng năm 2017, toàn tỉnh mất 74,4 ha rừng, trong đó phá rừng 40 ha, cháy rừng 9 ha, chuyển đổi mục đích 25,4 ha. Năm 2017, Công an Nghệ An khám phá 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia. Tang vật thu giữ hơn 500m³ và 15 tấn gỗ các loại, trong đó 17 vụ có dấu hiệu hình sự. |
Tác giả: Thiện Thành
Nguồn tin: antg.cand.com.vn