Thương em vất vả phải chở mình đi học, Việt bắt đầu tự tập xe đạp rồi tự đến trường trên chính đôi chân tật nguyền của mình. Suốt 3 cấp học, với nghị lực vươn lên, anh đã đạt nhiều danh hiệu khiến thầy cô, bạn bè nể phục.
Ước mơ trở thành bác sĩ nhưng không thành, với số điểm thi 25,5, Việt trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ngành Nông học trường đại học Vinh. Anh đã làm đủ thứ nghề từ gia sư, bán sách, sửa máy tính để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống bản thân và giúp bố mẹ một phần chăm lo cho các em.
Năm thứ hai đại học, Việt hoàn thành đề tài nghiên cứu về giống cây gió trầm và quyết định tạo giống thí nghiệm ngay trên chính quê hương. Cứ mỗi lần học xong, Việt lại bắt xe đò gần 100 km về nhà, nhờ bố mẹ, anh em tới các vườn trầm của người dân về ươm.
“Tôi luôn mong muốn làm giàu trên quê hương. Nhưng không có vốn, ở nhà bố mẹ thì còn nghèo, không biết xoay vốn từ đâu, nhiều lúc cũng muốn dừng lại”, Việt cho hay.
Thấu hiểu mong muốn của con, bố mẹ Việt không ngần ngại mang sổ đỏ căn nhà đang ở đi thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đầu tư vào cho cậu con trai xây dựng vườn ươm.
Năm 2013, hơn 40.000 cây trầm giống từ vườn được xuất bán ra nước ngoài. Có tiền, Việt tiếp tục ươm giống trầm cùng với nhiều loại cây trồng khác… Hiện, vườn ươm của Việt đã có hơn 50 loài cây ăn trái và cây kinh tế khác, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, chủ vườn ươm còn đi đến nhiều vùng đất khác học hỏi thêm kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc để về hoàn thiện cho vườn ươm của mình và hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trồng cây.
Hiện chàng trai này có cơ ngơi lên đến hàng tỷ đồng, với 1 công ty riêng và 3 cơ sở hợp tác kinh doanh khác. Sản phẩm từ vườn ươm của Việt không những có mặt khắp trên cả nước, mà còn có mặt trên thị trường các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào và Campuchia.
Năm 2016, Việt là một trong 85 đại biểu xuất sắc nhất nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Chàng trai trẻ này còn nhận được nhiều giấy khen khác của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trao.
Bà Trần Thị Thị (mẹ Việt), cho hay Việt sinh ra thiệt thòi nhưng lại chưa bao giờ chịu dừng lại từ việc học đến kinh doanh.
Tác giả bài viết: Văn Trường
Nguồn tin: