Vốn sinh ra và lớn lên vùng đất Đô Lương (Nghệ An), nơi nổi tiếng với đặc sản bánh đa, anh Biện Văn Mão (sinh năm 1986) mong muốn sản phẩm của quê hương sẽ được mọi người biết đến, nhớ tới như mỗi khi nhắc về đặc sản Bến Tre là kẹo dừa. Năm 2017, sau thời gian dài công tác ở một công ty chuyên về máy tính tại thành phố Vinh (Nghệ An), anh Mão xin nghỉ việc để về quê làm giàu.
"Cuối năm 2017, tôi quyết định mở xưởng sản xuất làm bánh đa chuyên nghiệp. Lúc đó, tiền làm gì có đâu, toàn đi vay mượn ngân hàng, bạn bè là chủ yếu", anh kể.
Anh Mão cho biết, lý do khiến anh khởi nghiệp là bởi ngày xưa, từ thời mẹ anh, bà anh đều tráng bánh đa, một thứ quà quen thuộc của nhiều người Nghệ An. Tuy nhiên, việc buôn bán này chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ, manh mún.
Công đoạn phơi bánh đa (Ảnh: NVCC) |
Là một người từng được đi nhiều, biết nhiều, 8X Nghệ An nhận ra, sản phẩm ở quê hương mình rất ngon, được nhiều bạn bè ở khắp nơi ưa chuộng, cho nên anh muốn phát triển và gìn giữ nghề.
"Khi mở xưởng, tôi chỉ có trong tay 100 triệu đồng, 400 triệu đồng còn lại là đi vay để làm nhà xưởng, mua thiết bị. Nhân sự lúc đó chỉ có 4 người, trong đó có tôi. Ngay cả máy móc mua về mấy anh em cũng đều tự học, tự làm rồi rút kinh nghiệm, chứ không có ai chỉ bảo, hướng dẫn cả", anh nhớ lại.
Do thiếu kinh nghiệm, chưa vận hành quen máy móc nên năm đầu tiên anh Mão lỗ gần 200 triệu đồng. Thậm chí, nhiều mẻ bánh đa làm ra đều phải đổ bỏ vì không đảm bảo chất lượng, yêu cầu.
"Lúc bánh hỏng nhiều, tôi còn không dám nói với gia đình, đặc biệt là bố mẹ, sợ mọi người lo lắng. Thậm chí, nhiều mẻ bánh bỏ đi, tôi còn phải giấu mọi người, đổ đi trong lén lút, âm thầm. Bởi bánh làm ra cái nào thì cái đó gẫy, cái thì cong, cái không đạt chất lượng nhìn mà xót lắm", anh Mão tâm sự.
Sản phẩm bánh đa nhà anh Mão. |
Sau nhiều cố gắng, đến năm 2019, bánh đa ra lò đã đạt chất lượng khiến 8X Nghệ An mừng vui. Chớp lấy thời cơ, anh bắt đầu đẩy nhanh công suất để làm ra nhiều sản phẩm.
"Năm 2018, trung bình mỗi ngày, xưởng tôi làm ra 2.000 - 3.000 chiếc bánh. Năm 2020 trở đi, công suất đã đạt mức 5.000 - 10.000 chiếc bánh/ngày. Đồng thời, lượng bánh ra lò đều, tỷ lệ hỏng cực kỳ ít. Vào những tháng cao điểm, doanh thu của xưởng có thể lên tới 500 triệu đồng/tháng, còn hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì doanh thu chỉ tầm 100 - 200 triệu đồng/tháng", anh Mão hé lộ.
Bánh đa sau khi ra lò sẽ được xưởng vận chuyển đến các điểm kinh doanh bằng ô tô tải (Ảnh: NVCC). |
Theo chàng trai Nghệ An, quy trình làm bánh đa ở xưởng anh vẫn đi theo cách làm truyền thống, chỉ khác ở chỗ, các công đoạn cán bánh, tráng bánh được thực hiện bằng máy móc khiến năng suất tăng lên. Tuy nhiên, sản phẩm tráng bằng tay sẽ khác vài phần với khi tráng máy, nếu người thợ không biết điều chỉnh bánh sẽ không đạt. Đây cũng chính là sai lầm mà anh Mão mắc phải, khiến tiền "rơi" khỏi túi.
"Ví dụ, bánh khi phơi xong, chúng ta không nên sấy ngay mà để hồi bánh sau một ngày. Thùng đóng bánh cũng phải thiết kế riêng để bánh không bị vỡ, hỏng, nứt. Đó là những điều mà tôi tự học, rút kinh nghiệm từ những lần thất bại", anh tâm sự.
Hiện nay, sản phẩm bánh đa ngoài mang lại doanh thu tốt cho xưởng, anh còn tạo công ăn việc làm cho 15 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với Dân trí, ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch xã Yên Sơn (Đô Lương), cho biết trên địa bàn xã có xưởng sản xuất bánh đa của anh Biện Văn Mão. Khu đặt xưởng sản xuất bánh đa là phần đất anh Mão thuê của người dân địa phương. Theo ông Kiên, đây là mô hình kinh doanh tốt của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con nông dân.
Tác giả: Hoàng Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí