Bà Thanh tâm sự: “Là người gốc Hà Nội. Năm 2 tuổi rưỡi tôi mồ côi mẹ, 11 tuổi lại mồ côi cha. Mặc dù được người thân coi sóc nhưng nhiều việc tôi vẫn phải tự mình bươn trải. Không có một gia đình trọn vẹn, tôi luôn tự nhủ mình phải phấn đấu học tập thật tốt. Sau khi tốt nghiệp bằng xuất sắc ngành Tâm lý giáo dục trường Đại học sư phạm Gersen Leningrat (Liên xô cũ) và về nước vào năm 1974, tôi công tác tại ban Tâm lý, Viện Khoa học giáo dục rồi được bổ nhiệm làm Phó ban Nghiên cứu cải cách mầm non.
Bà Tạ Thị Ngọc Thanh. |
Năm 1987, tổ chức SOS quốc tế và UBND TP Hà Nội thành lập dự án xây dựng Làng trẻ em SOS. Như một cơ duyên, tôi được phân công về làm Giám đốc đầu tiên. Những năm tháng làm việc tại đây giúp tôi thấu hiểu và cảm thông hơn với những đứa trẻ thiếu thốn điểm tựa, không được học hành nên bằng mọi giá tôi muốn góp sức mình cho công tác khuyến học. Tôi thường dành dụm tiền lương tặng một số học sinh để các em có kinh phí học nghề, trang trải cuộc sống.”
Năm 1997, bà Thanh về hưu. Từ đó đến nay bà đảm nhiệm nhiều công tác tại địa phương và đặc biệt tâm huyết với công việc từ thiện. 20 năm trôi qua, bà không còn nhớ chính xác đã đỡ đầu cho bao nhiêu em. Có những em được bà cưu mang từ khi học mẫu giáo cho đến khi trưởng thành, tự nuôi sống được bản thân.
Qua các kênh báo đài, bà biết được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Ở đâu thấy cần và trong khả năng của mình là bà sẽ tìm cách hỗ trợ. “Nói về bà Thanh thì cả phường ai cũng biết. Bà già rồi nhưng vẫn nhiệt tình hoạt động lắm, đạp xe đi khắp nơi. Bà giúp đỡ, ủng hộ các cháu nghèo ở cả Thái Nguyên và ở đây, hàng năm phải mấy chục triệu.”– Bà Trần Bích Hải - Ủy viên Ban thường trực Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu chia sẻ.
Hiện nay bà đang nhận đỡ đầu cho 15 trẻ em nghèo ở các tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An,... với số tiền 1.2 triệu/em/năm. Khi đọc báo vô tình biết được hoàn cảnh của ảnh Nguyễn Quốc Huy – nguyên Chính trị viên tàu CBS 2016 có 2 con đang tuổi ăn tuổi học, bố mẹ già yếu, vợ lại bị ung thư bà đã liên hệ và gửi tặng ngay 2.4 triệu đồng cùng lời hứa sẽ hỗ trợ đến khi hai bé đủ 18 tuổi.
Tính nhân văn trong bà luôn tỏa sáng mọi lúc mọi nơi. Ở gia đình, bà sinh hoạt rất tiết kiệm. Phụ cấp lương Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư Chi bộ, chế độ hội họp từ cấp phường, quận, thành phố và một phần lương hưu bà đều gom lại để làm từ thiện, ủng hộ những địa phương bị thiên tai.
Mỗi năm bà mua xe đạp, quần áo, sách vở tặng cho các em học sinh nghèo có thành tích học tập tốt trị giá hơn 20 triệu đồng. Noi gương bà, nhiều em nhỏ được bà giúp đỡ đã vượt lên số phận để học tập tốt, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng top đầu cả nước. Đặc biệt có 2 em vừa nhận được học bổng đi du học tại Anh và Tây Ban Nha. Bà bảo: “ Ông trời cho tôi khỏe ngày nào thì tôi làm đến ngày đấy, khi nào không còn sức nữa thì thôi.”.
78 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, 35 năm làm Bí thư chi bộ, 20 năm làm công tác khuyến học, 17 năm liên tục làm Tổ trưởng tổ dân phố. Dù ở cương vị nào bà cũng toàn tâm toàn ý, làm hết sức mình. Chính vì thế đã hai lần bà đạt danh hiệu "Người tốt việc tốt" cấp thành phố; nhiều lần đạt danh hiệu "Người tốt việc tốt" cấp quận, được tặng thưởng kỷ niệm chương Chữ thập đỏ, Kỷ niệm chương khuyến học,…
Đặc biệt tháng 10/2016, bà vinh dự là 1 trong 9 cá nhân được nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Đối với bà, sự tận tụy không phải vì bất cứ thứ gì. Bà tâm sự: “Tôi chỉ hi vọng những việc mà gần trọn cuộc đời tôi đã làm sẽ góp một phần nhỏ giúp đỡ trẻ em bất hạnh như tôi được đi học và được đổi đời như ngày hôm nay tôi có”.
Ngồi bên bà, nghe bà kể chuyện tôi chợt nhớ đến một câu hát trong bài “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và tôi nhận ra cuộc sống này vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng thiện nguyện cao cả, âm thầm làm việc tốt mà không hề mong một sự báo đáp. Sống để trọn nghĩa với đời.
Tác giả: Phạm Thảo
Nguồn tin: Báo Lao động thủ đô